Những nữ quản giáo thầm lặng ươm mầm thiện

23/10/2018
Nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, có dịp đến với Trại Tạm giam Công an TP Đà Nẵng, gặp gỡ những nữ quản giáo thầm lặng ngày đêm ươm mầm thiện cho những mảnh đời lầm lỗi, mới thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà cán bộ quản giáo trải qua. Nơi ấy, có những người đã hy sinh niềm riêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi theo họ, hạnh phúc là được cống hiến cho xã hội.

Thượng tá Trần Ngọc Hồng, Phó Giám thị Trại Tạm giam Công an TP Đà Nẵng cho biết, công việc của nữ quản giáo là quản lý, giáo dục, cảm hóa người bị tạm giữ, bị can, phạm nhân nữ. Trong môi trường làm việc nhiều áp lực, nhất là khi phải tiếp xúc với những bị can bị khởi tố về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thường xuyên la hét, có thái độ không hợp tác. Nếu không kiên nhẫn, nếu không có bản lĩnh thì khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thêm vào đó, có đối tượng bị nhiễm HIV, bệnh hiểm nghèo nên việc tiếp xúc rất nguy hiểm. Nhưng dù trong điều kiện làm việc vất vả, khó khăn do đặc thù công việc, những lúc bị can, phạm nhân nữ đau ốm… các nữ quản giáo phải trực tại bệnh viện rồi trực đêm tại cơ quan nhưng các đồng chí đều biết sắp xếp thời gian, nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa lo chu toàn cho cuộc sống gia đình.

Vượt qua những khó khăn khi bản thân là nữ, làm công việc thường xuyên phải tiếp xúc với phạm nhân, thời gian qua, Đại úy Thái Thị Ngọc Ánh, Phó Đội trưởng Đội Quản giáo Trại Tạm giam Công an TP Đà Nẵng đã giúp đỡ cho nhiều phạm nhân nhận ra lỗi lầm, tích cực cải tạo tốt, sớm được trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng. Đại úy Ánh tâm sự, phạm nhân nữ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến con đường phạm tội, nhiều người hoàn cảnh khó khăn, bị án dài nên tâm lý tác động theo chiều hướng tiêu cực, vào Trại giam với tâm lý bất cần. Kinh nghiệm công tác đã giúp cho đồng chí có những cách cảm hóa, giáo dục riêng để họ nhận ra lỗi lầm và chấp nhận hình phạt của pháp luật. Nhắc đến điều này, chị Ánh kể về phạm nhân Nguyễn Thị T. (tên nhân vật đã được thay đổi) bị khởi tố về tội danh "giết người". Lúc đầu phạm nhân T. thể hiện thái độ không hợp tác, la hét, phản kháng, tuyệt thực trong nhiều ngày, không chấp hành nội quy của Trại giam. Khi tiếp xúc, cảm nhận thái độ của T. khiến Đại úy Ánh phải trăn trở, tìm hiểu kỹ về trường hợp này và quyết tâm giáo dục, cảm hóa T. Sau khi biết được hoàn cảnh cũng như cuộc sống của T., chị Ánh đã có giải pháp khuyên giải phù hợp để T. hợp tác với Cơ quan điều tra.

Những nữ quản giáo Trại Tạm giam Công an TP Đà Nẵng gặp gỡ làm công tác tư tưởng đối với nữ phạm nhân.

 

Để giáo dục một con người đã khó, giáo dục con người phạm tội còn khó hơn, phải làm sao để họ nhận ra sai lầm, phấn đấu cải tạo tốt. Một trong những phạm nhân toàn tâm cải tạo tốt là phạm nhân Đỗ Thị H. (quê Quảng Nam). Phạm nhân nhận bản án 05 năm tù về tội mua bán trái phép hóa đơn, thời gian đầu vào trại H. có tâm lý buồn bã, không chịu cải tạo. Qua thời gian, được các nữ quản giáo gặp gỡ, thăm hỏi, làm công tác tư tưởng, hiện phạm nhân H. đã yên tâm cải tạo và từ một người không đủ chỉ tiêu trong công việc, chị H đã vượt chỉ tiêu. Cuối năm nay, chị H. sẽ được trở về với gia đình. Theo chị H., chính những ngày tháng được những nữ quản giáo tận tình giúp đỡ, đã cho chị động lực cải tạo để sớm ra tù, trở về với gia đình.

Với cái tâm của người tìm lại những điều tốt đẹp, những nữ cán bộ quản giáo của Trại Tạm giam Công an TP Đà Nẵng vẫn đang hàng ngày quản lý, giúp đỡ người lầm lỗi, giúp họ cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, cộng đồng. Bằng những tình cảm, lời động viên thuyết phục, thấu tình, đạt lý; những buổi giáo dục, cảm hóa riêng hay chung của các nữ quản giáo đều giúp người phạm tội nhận thức, tiếp thu những điều hay lẽ phải để phấn đấu tốt hơn. Có thể nói, những nữ quản giáo như những người thầy thầm lặng ươm lại những mầm thiện...

 

Phương Thảo
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website