Ươm mầm thiện từ các lớp học ở Trại giam

25/02/2020
Trại giam Gia Trung, Bộ Công an đóng trên địa bàn huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đã, đang tổ chức những lớp học đặc biệt và học trò chính là những phạm nhân đang chấp hành án tại đây.

Phạm nhân Bùi Văn Ặm (sinh năm 1970, quê Hòa Bình) vào Trại năm 2016 và đang thụ án 15 năm tù do hành vi buôn bán trái phép chất ma túy cho biết, trước đây gia đình ở vùng sâu, vùng xa nên không được đi học, không biết chữ dẫn đến thiếu hiểu biết nên vi phạm pháp luật. Khi vào Trại, được cán bộ dạy cho biết chữ, biết cầm bút mà viết thành câu. Biết chữ rồi, phạm nhân thích mượn sách trồng trọt, chăn nuôi ở thư viện để đọc. Dự định sau khi mãn hạn tù, phạm nhân sẽ về quê thực hành trồng trọt, chăn nuôi từ những kiến thức đã được đọc; quyết tâm sống làm người lương thiện, không vi phạm pháp luật nữa. 

Cũng là một trong những phạm nhân không biết chữ, Y Linh (sinh năm 1988, quê Đắk Lắk) phạm tội giết người và đang thụ án 16 năm tù kể lại, trước đây phạm nhân không biết chữ nên khi đi làm giấy tờ toàn điểm chỉ. Nhiều lúc thấy bạn bè biết chữ, lấy sách báo đọc mà mình không đọc được nên rất khó chịu. Người ta biết chữ nên nói chuyện cũng lưu loát hơn. Khi vào Trại, phạm nhân được cán bộ cầm tay tập viết từng nét chữ. Sau 02 tháng, phạm nhân đã biết đọc, viết được nhưng vẫn chưa nhanh như nhiều người. Phạm nhân sẽ cố gắng học thật tốt để tự viết thư gửi về cho gia đình; sau đó là đọc thêm sách báo để hiểu biết pháp luật, cải tạo tốt để sớm trở về làm người lương thiện.

Trại giam Gia Trung có khoảng 02% phạm nhân thuộc diện cần phải dạy chữ để xóa mù và phổ cập tiểu học. Khi phạm nhân vào Trại thì căn cứ hồ sơ, Ban Giám thị sẽ bổ sung phạm nhân vào các lớp học chữ phù hợp với trình độ từng người. Mỗi phân khu cũng bố trí 02 cán bộ giáo dục thực hiện nhiệm vụ dạy chữ và dạy văn hóa cho phạm nhân. Để đảm bảo dạy chữ đạt hiệu quả, Trại giam đã tuyển 01 giáo viên tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm để bổ trợ, hướng dẫn thêm kỹ năng cho các cán bộ giáo dục. Cán bộ giáo dục của Trại cũng là những người được tuyển chọn kỹ lưỡng, có trình độ phù hợp và năng khiếu sư phạm để tham gia giảng dạy.

Thượng úy Lê Văn Thế, cán bộ phụ trách giáo dục phân trại 1 cho biết, thời gian dạy chữ cho phạm nhân của đơn vị là 02 buổi/tuần. Để đảm bảo hiệu quả công tác dạy chữ cho phạm nhân, cán bộ giáo dục phải là những người có kinh nghiệm, tích cực học hỏi những người đi trước để có phương pháp dạy phù hợp với từng trường hợp. Điều quan trọng nhất vẫn là dùng tình cảm để cảm hóa phạm nhân, coi họ như những học trò bình thường để dốc lòng dạy dỗ, mở con đường sáng, giúp họ phân định rõ đúng, sai để các phạm nhân sau khi mãn hạn tù trở thành công dân có ích, làm người lương thiện.

Cán bộ giáo dục cầm tay, hướng dẫn các phạm nhân viết chữ.

 

Thượng úy Thế cho biết thêm, nhiều khi cán bộ giáo dục phải ghi nét chữ trước, sau đó cầm tay từng phạm nhân viết theo nét kẻ trên trang giấy trắng. Điều vui nhất là nhiều phạm nhân sau khi ra tù đã biết đọc, biết viết, có cơ hội tiếp cận thông tin hữu ích. Gần đây có 01 trường hợp từng là phạm nhân được dạy chữ, sau khi ra Trại đã gọi điện hỏi thăm cán bộ giáo dục. Anh này đang làm công nhân xây dựng ở TP Hà Nội và đã biết tính toán ngày công, tiền công cho thời gian đi làm thuê chứ không nhờ người khác như trước đây nữa.

Để đảm bảo nội dung giảng dạy theo chương trình quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trại giam đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang thành lập Hội đồng đánh giá, kiểm tra định kỳ kết quả học tập của phạm nhân theo từng tháng. Kết thúc năm học, Hội đồng tổ chức thi, đánh giá kết quả học tập và cấp giấy chứng nhận xóa mù hoặc chứng nhận phổ cập tiểu học theo quy định.

Nhằm phát huy hiệu quả từ việc dạy chữ cho phạm nhân, Trại giam còn phát động phong trào viết thư xin lỗi. Trong đó, các phạm nhân sau khi được dạy chữ sẽ viết thư xin lỗi gia đình, chính quyền địa phương và đặc biệt là người bị hại. Cũng từ những đợt viết thư như thế, các phạm nhân khi về với gia đình đã viết hàng nghìn lá thư cảm ơn cán bộ, Giám thị Trại giam giáo dục, chỉ bảo trong thời gian chấp hành án.

Đại tá Nguyễn Đình Ba, Giám thị Trại giam Gia Trung chia sẻ, hàng năm đơn vị đều mở các lớp dạy chữ tùy vào số lượng học viên. Sau khi đạt yêu cầu, học viên được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù hoặc phổ cập tiểu học. Việc dạy chữ cho phạm nhân có nhiều khó khăn hơn ở môi trường bên ngoài do các phạm nhân đã lớn tuổi nên việc tiếp cận, học chữ khá chậm; nhiều trường hợp không chịu học nên cán bộ phải giải thích theo kiểu mưa dầm thấm lâu để họ hiểu. Tuy có khó khăn nhưng đơn vị luôn quyết tâm phải dạy chữ thành công cho toàn bộ phạm nhân chưa biết chữ. Việc dạy chữ cho phạm nhân cũng liên quan đến lĩnh vực chấp hành án vì khi biết chữ, phạm nhân sẽ đọc và hiểu được nội quy, quy chế của Trại giam; đồng thời, có cơ hội tiếp cận, hiểu biết các quy định pháp luật. Ngoài dạy chữ, đơn vị còn mở các lớp dạy nghề cho phạm nhân như: Đan lát, thêu, mộc, hàn, sửa máy nổ... để giúp các phạm nhân sau này có nghề nghiệp tự nuôi sống bản thân và gia đình. Trại giam xem đây là những lớp học ươm mầm thiện cho những phạm nhân lầm lỡ; giúp họ nâng cao kiến thức, hiểu biết xã hội và các quy định pháp luật. Từ đó, phạm nhân sẽ không vi phạm pháp luật, sớm hòa nhập cộng đồng và trở thành những công dân có ích.

 

Từ năm 2015 đến nay, Trại giam Gia Trung đã mở 50 lớp dạy chữ cho 702 phạm nhân. Trong đó, có 405 phạm nhân chưa biết chữ được dạy ở 25 lớp xóa mù; 297 phạm nhân được dạy chữ tại 25 lớp phổ cập tiểu học tại đơn vị.

 

Chí Hào
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website