Thúc đẩy phòng ngừa tội phạm, tư pháp hình sự và pháp quyền

11/03/2021
Từ ngày 07 - 12/3/2021, Hội nghị cấp cao lần thứ 14 của Liên Hợp quốc về phòng, chống tội phạm và tư pháp hình sự được tổ chức tại Kyoto, Nhật Bản bằng hình thức trực tuyến. Hội nghị có sự tham dự của trên 5.600 đại biểu đến từ 152 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế.

Hội nghị cấp cao của Liên Hợp quốc về phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự là một trong những hội nghị định kỳ của Liên Hợp quốc (nhóm họp 05 năm một lần từ năm 1955), là cơ chế xây dựng và định hướng chính sách phòng, chống tội phạm của Liên Hợp quốc.

Điểm cầu trực tuyến tại Hà Nội.


Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và để tiết kiệm kinh phí, Việt Nam không cử Đoàn tham dự trực tiếp mà tham dự Hội nghị bằng hình thức trực tuyến. Đoàn Việt Nam gồm đại diện từ Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ. Lãnh đạo Bộ Công an giao Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp tham dự Hội nghị và tổ chức điểm cầu trực tuyến tại 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.   

Các thành viên trong Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.


Chủ đề chính của Hội nghị năm nay là “Thúc đẩy phòng ngừa tội phạm, tư pháp hình sự và pháp quyền: Hướng tới mục tiêu của Chương trình phát triển bền vững năm 2030”. Theo đó, Hội nghị hướng tới nhấn mạnh mối quan hệ giữa pháp quyền và phát triển, gắn công tác phòng, chống tội phạm và tư pháp hình sự với việc thúc đẩy hoàn thành mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc, trong đó tập trung thảo luận các vấn đề sau: (i) Chiến lược toàn diện về phòng, chống tội phạm gắn với phát triển kinh tế và xã hội; (ii) Cách tiếp cận tổng thể đối với các thách thức của hệ thống tư pháp hình sự; (iii) Cách tiếp cận đa chiều của các quốc gia thành viên để thúc đẩy pháp quyền, xây dựng cơ chế đủ tin cậy, minh bạch và cân bằng các biện pháp liên quan để thúc đẩy văn hóa tuân thủ pháp luật; (iv) Hợp tác quốc tế, hỗ trợ kỹ thuật để phòng ngừa, đấu tranh các hình thức tội phạm, bao gồm tất cả các hình thức của chủ nghĩa khủng bố và các hình thức tội phạm mới… 

Việc tham gia Hội nghị sẽ giúp Việt Nam đóng góp tiếng nói trong xây dựng các chính sách, quy định của cộng đồng quốc tế về phòng, chống tội phạm cũng như nắm bắt được quan điểm, xu thế của các nước trên thế giới để từ đó nghiên cứu, xây dựng các chính sách, quy định pháp luật trong nước về phòng, chống tội phạm một cách hiệu quả, vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc vừa phù hợp với xu thế chung của cộng đồng quốc tế.

 

Phương Thảo
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website