Tuyên bố chung về sáng kiến phòng, chống mua bán người Tiểu vùng sông Mê Kông

17/02/2012
Ngày 16/2/2012 tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị Cấp bộ trưởng lần thứ 3 (IMM3) các nước Tiểu vùng sông Mê Kông về phòng, chống tội phạm mua, bán người (Tiến trình COMMIT). Sáu nước tham gia Tiến trình COMMIT đã ký Tuyên bố chung.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống mua bán người đã tới dự và phát biểu khai mạc. Hội nghị có sự tham dự của Thượng tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đại diện cho nước chủ nhà Việt Nam và các Bộ trưởng đại diện Chính phủ 5 nước (Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma); đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế.

Chủ đề của Hội nghị lần này là “Đồng tâm và hợp tác bền vững” trong phòng, chống mua, bán người. Các đoàn đại biểu đại diện cho Chính phủ 6 nước đã cùng nhau chia sẻ những thành tựu đã đạt được trong cuộc chiến chống lại nạn mua, bán người, giới thiệu những mô hình thành công và chỉ ra những vấn đề quan trọng cần giải quyết trong thời gian tới.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và các Trưởng đoàn dự Hội nghị IMM3.



Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đã tham dự Hội nghị, đồng thời cảm ơn nhân dân các nước và các tổ chức quốc tế đã và đang ủng hộ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm mua, bán người nói riêng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã chủ động thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và tham gia tích cực, có trách nhiệm cao tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt trong đó có cam kết về phòng, chống tội phạm mua, bán người với các nước tiểu vùng sông Mê Kông. Đây là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, thuần phong, mỹ tục của các quốc gia, ảnh hưởng đến anh ninh trật tự, đi ngược lại với trào lưu tiến bộ của loài người.

Đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng có liên quan đến công tác này như Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ Luật lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Cư trú… Đặc biệt, ngày 29/3/2011, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật phòng, chống mua bán người để ngăn chặn loại tội phạm này.

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn tích cực và nỗ lực cùng với các nước, các tổ chức quốc tế hợp tác xây dựng những khuôn khổ pháp lý chung về đấu tranh chống tội phạm, trong đó có tội phạm mua, bán người. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia các Công ước về vấn đề này và 22 Hiệp định tương trợ tư pháp, hợp tác về hình sự, dẫn độ tội phạm…

Qua 7 năm thực hiện Tiến trình COMMIT, Việt Nam đã nghiêm túc thực hiện các Kế hoạch hành động, các Đề án, dự án cụ thể về đấu tranh chống tội phạm, tiếp nhận, bảo vệ, hồi hương và hỗ trợ nạn nhân và tăng cường hợp tác quốc tế.

Phó Thủ tướng khẳng định: “Tiến trình COMMIT là một sáng kiến mang tính độc đáo và năng động của Chính phủ 6 nước Tiểu vùng sông Mê Kông trong phòng, chống mua, bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”.

Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung Tuyên bố chung được ký kết tại Hà Nội và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động tại Việt Nam cũng như tham gia các hoạt động cấp vùng và khu vực. Việt Nam  mong muốn nhận được sự hợp tác, ủng hộ của Ban Thư ký và các thành viên và các tổ chức quốc tế trong Tiến trình này.

 

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị IMM3.



Tại hội nghị, quan chức cao cấp của 6 quốc gia đã cùng nhau đánh giá lại những thành tựu đạt được trong quá trình triển khai Kế hoạch Hành động Tiểu vùng giai đoạn 2 (2008-2010), thông qua việc triển khai thực hiện hơn 350 sáng kiến và hoạt động trên nhiều lĩnh vực như đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức, bảo vệ nạn nhân và tăng cường các Hiệp định hợp tác song phương…

Theo Tuyên bố chung đã được ký kết, các nước cam kết mạnh mẽ để tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần của COMMIT trong đồng tâm, đoàn kết, và tiếp tục thực hiện cơ chế hợp tác khu vực mang tính cốt yếu nhằm giảm thiểu nạn mua, bán người một cách thành công.

Tuyên bố chung nhấn mạnh việc đấu tranh chống tình trạng nô lệ dưới mọi hình thức, quyết tâm mạnh mẽ trong việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia thành viên Tiến trình COMMIT; cam kết trong phòng ngừa mua bán người và bảo vệ nạn nhân; tiếp tục thực hiện các tham vấn và hợp tác đa phương và song phương giữa các nước Tiểu vùng và các tổ chức quốc tế; hoạt động mạnh mẽ để Tiến trình COMMIT bền vững; quyết tâm mạnh mẽ trong việc nâng cao hơn nữa năng lực cho các Ban chỉ đạo COMMIT của các quốc gia; không khoan nhượng đối với cơ quan đồng loã hoặc tham gia vào mua bán người…

* Trước đó, trong hai ngày 14-15/2 tại Hà Nội, Hội nghị quan chức cấp cao lần thứ 8 (SOM 8- hội nghị thành phần của COMMIT) đã diễn ra. Hội nghị SOM 8 đã thảo luận và cam kết sáu vấn đề nổi bật. Thứ nhất, sáu Chính phủ COMMIT thống nhất Tiến trình COMMIT có khả năng sẽ kết nạp thêm những quốc gia có liên quan với Tiểu vùng sông Mê Kông trong buôn bán người để tăng cường hợp tác và đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia này.

Thứ hai, Chính phủ sáu nước cam kết mở rộng quan hệ đối tác nhằm tăng cường mối quan hệ với các cơ quan của Liên Hợp Quốc, khối phi Chính phủ, các nhà tài trợ và khối tư nhân trong đấu tranh phòng, chống buôn bán người.

Thứ ba, các nước cam kết xây dựng hệ thống dữ liệu chất lượng hơn để đánh giá tốt hơn tác động và hiệu quả hoạt động phòng, chống buôn bán người.

Thứ tư, các nước cam kết phát triển các biện pháp mới để tăng cường thông tin liên lạc giữa Ban chỉ đạo COMMIT của các quốc gia.

Thứ năm, sáu nước cam kết coi trọng phản ánh của nạn nhân và thanh thiếu niên để đảm bảo rằng các hoạt động can thiệp và việc ban hành chính sách phản ánh đúng quan điểm của những người có liên quan.

Thứ sáu, Chính phủ các nước COMMIT cũng khẳng định cam kết cải thiện và xây dựng sự bền vững của Tiến trình COMMIT trong nhiều năm nữa./.
 

Văn Tiến
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website