Việt Nam tham dự Hội nghị lãnh đạo phụ trách an ninh tại Nga

18/06/2019
Ngày 18/6/2019, Hội nghị quốc tế thường niên lần thứ 10 Lãnh đạo cấp cao phụ trách an ninh đã khai mạc tại thành phố Ufa, thủ phủ nước Cộng hòa Bashkortostan, Liên bang Nga. Tham dự Hội nghị có hàng trăm đại biểu từ 120 nước và đại diện Liên Hợp Quốc. Đoàn đại biểu Việt Nam do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm đã có bài phát biểu quan trọng về thực trạng, các mối đe doạ đến an ninh quốc tế, đồng thời nêu ra một số giải pháp nhằm ổn định phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, trong xu thế toàn cầu hóa đang phát triển mạnh mẽ, thế giới bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng nhưng cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề mới, đe dọa đến an ninh, chủ quyền và sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của mỗi quốc gia. Các mối đe dọa có sự chuyển hóa, đan xen, chồng lấn và tạo thành các mối đe dọa tổng hợp trên nhiều lĩnh vực, ngày càng phức tạp, diễn biến nhanh và tác động không chỉ đối với một quốc gia mà còn mang tính toàn cầu.
 

Bộ trưởng Tô Lâm cùng các đại biểu dự Hội nghị.


Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, hiện nay các tranh chấp chủ quyền biên giới, biển đảo diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát xung đột quân sự, đe dọa trực tiếp đến môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải - hàng không. Tội phạm sử dụng công nghệ cao xâm nhập, tấn công vào nhiều mục tiêu trên toàn thế giới để đánh cắp thông tin, tài sản sở hữu trí tuệ, bí mật nhà nước. Hoạt động khủng bố, cực đoan ở một số khu vực có dấu hiệu tăng nhanh và với âm mưu, phương thức ngày càng tinh vi, manh động hơn. Đồng thời, các nguy cơ an ninh phi truyền thống khác như tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; biến đổi khí hậu, dịch bệnh; sự khủng hoảng, cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu đang ngày càng hiện hữu và diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị.

 

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, bảo đảm an ninh quốc gia và phát triển kinh tế -  xã hội bền vững của các quốc gia trong bối cảnh các mối đe dọa tổng hợp gia tăng là một yêu cầu cấp thiết và hết sức thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới và cần có sự chung tay của tất cả các quốc gia. Từ nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Từ kinh nghiệm của Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm đã đề xuất một số giải pháp cụ thể sau: Nâng cao nội lực của mỗi nước; Đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước phải trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nước khác và luật pháp quốc tế; Tăng cường hợp tác giữa các nước, khu vực nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các quốc gia và giải quyết mối đe dọa tổng hợp; Nâng cao vai trò của các tổ chức, khu vực, nhóm liên kết các quốc gia trên thế giới trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống lại các mối đe dọa tổng hợp.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức quốc tế để cùng nhau tăng cường nguồn lực, năng lực bảo đảm an ninh quốc gia và sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần duy trì sự ổn định, hòa bình của thế giới, khu vực và mỗi quốc gia.

Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm đã gặp, tiếp xúc với đại diện các Đoàn Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myammar, Mông Cổ; đồng thời cùng đại diện các nước đã thảo luận về những vấn đề mà các bên cùng quan tâm, các biện pháp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người, tội phạm rửa tiền... 

Bộ trưởng Tô Lâm trao đổi với các đại biểu.

 

*Trước đó, Bộ trưởng Tô Lâm đã có buổi làm việc với quyền Tổng thống Cộng hòa Bashkortostan Radi Khabirov. 

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga ngày càng phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, độ tin cậy chính trị ngày càng cao. Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị ngài quyền Tổng thống quan tâm, giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam tại Bashkortostan ổn định cuộc sống, đóng góp tốt hơn cho sự phát triển địa phương cũng như mối quan hệ giữa hai nước. 

Về phần mình, quyền Tổng thống Kadi Khabirov đánh giá rất cao cộng đồng người Việt Nam tại Bashkortostan và bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư tại nước này; khẳng định chính quyền Bashkortostan sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam. 

Dịp này, Bộ trưởng Tô Lâm còn một số hoạt động khác như tiếp Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Liên bang Nga Sergey Naryshkin; dự buổi tiếp của Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Nikolai Patrushev với Trưởng đoàn các nước ASEAN.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev nhấn mạnh, Diễn đàn an ninh được Nga tổ chức này ngày càng trở nên hấp dẫn với các nước trên thế giới. Theo ông Patrushev, mặc dù tìm được tiếng nói chung về mọi vấn đề không phải là việc dễ dàng, song tại diễn đàn này, đại diện các nước có thể chia sẻ ý kiến, và cùng nỗ lực hướng tới  mục tiêu làm cho thế giới trở nên an toàn hơn. Ngài Patrushev cũng cho rằng khi giải quyết nhiệm vụ bảo đảm an ninh trên thế giới cần phải tình đến lập trường của mỗi nước.

Trong Thư gửi Hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, Hội nghị là diễn đàn đối thoại hiệu quả về các thách thức toàn cầu, đồng thời trao đổi kinh nghiệm, thông tin và mở rộng liên lạc giữa các nước. Nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng chương trình nghị sự của diễn đàn rất phong phú, trọng tâm thảo luận các vấn đề thời sự đòi hỏi các quyết định chung và hành động tập thể, trước hết là chống lại các mối đe dọa khủng bố, khắc phục hậu quả của các cuộc xung đột vũ trang và thảm họa nhân đạo, cũng như đảm bảo an ninh thông tin. Tổng thống Putin chúc Hội nghị thành công và đạt được mục tiêu chung là tạo ra một hệ thống an ninh đáng tin cậy, linh hoạt, không thể chia cắt và bình đẳng cho tất cả các hệ thống an ninh ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Trong 03 ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các nội dung như bảo đảm an ninh quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các quốc gia trong bối cảnh các mối đe dọa tổng hợp gia tăng; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đối phó tình huống nhân đạo khẩn cấp và các triển vọng của việc này trong giai đoạn hiện tại nhằm duy trì sự ổn định chiến lược. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ Hội nghị còn diễn ra các Hội nghị bàn tròn với chủ đề "Hệ thống an ninh thông tin quốc tế, công cụ bảo đảm sự ổn định chiến lược và đối tác bình đẳng trong không gian thông tin toàn cầu"; "Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chống lại sự lan tràn của các hệ tư tưởng khủng bố và chống lại sự tự cực đoan hóa của các tên khủng bố đơn độc".


 

 

PV
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website