Phòng chống tội phạm mua bán người - Hiệu quả từ Câu lạc bộ trẻ em tại Mường Chà, Điện Biên

07/06/2022
Lượt xem: 1326
Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng luôn nỗ lực, có nhiều biện pháp, giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm mua bán người. Tại địa bàn huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã có nhiều mô hình, hoạt động giúp một bộ phận người dân thay đổi cách nghĩ, nâng cao khả năng bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị buôn bán và bạo lực, giảm thiểu những tác hại do tội phạm mua bán người gây ra.
Nằm cheo leo trên sườn đồi, thuộc xã Sa Lông, huyện Mường Chà là ngôi nhà nhỏ của gia đình em Hong. Nhiều tháng trước, nghe theo sự rủ rê của người anh họ, Hong giấu bố mẹ, thầy cô bỏ lớp, bỏ trường xuống tận Bắc Ninh làm nhân viên trong một salon tóc. Khi được hỏi, em Hong chia sẻ: “Nghe theo anh họ bỏ học đi xuống Bắc Ninh để đi làm tóc giả, xuống đấy làm công việc vất vả, thấy nhớ nhà, nhớ bạn bè thầy cô nên rất buồn, được thầy cô giáo gọi điện chia sẻ, động viên nên em đã quay về nhà tiếp tục đi học”.
 
Không chỉ nhẹ dạ như Hong mà hơn 8.500 trẻ em nữ khác tại các địa bàn thuộc huyện Mường Chà còn phải đối diện với nguy cơ cao trong các vụ bạo lực, bất bình đẳng giới, nạn tảo hôn và đặc biệt là trong các vụ mua bán người.
 
Nhớ lại một ngày mùa hè năm 2017, khi ấy Pàng đang học lớp 7, rồi em tình cờ quen biết một người đàn ông qua mạng. Pàng đã tin tưởng những viễn cảnh về một cuộc sống giàu có ở Trung Quốc mà người đàn ông đó vẽ ra. Để rồi chuyến đi đó đã biến cô gái 14 tuổi xinh đẹp thành một người mẹ hai con ở tuổi 17. May mắn trốn thoát trở về, mặc dù được gia đình, cộng đồng, địa phương và các cơ quan chức năng hỗ trợ để hòa nhập cộng đồng, nhưng những ký ức, những tổn thương từ việc bị mua bán và bị làm vợ bất hợp pháp vẫn luôn là điều ám ảnh Pàng mãi mãi.
 
Có thể thấy, tình trạng trẻ em gái bị dụ dỗ, lừa bán, nhất là trong lứa tuổi học sinh diễn biến phức tạp. Các đối tượng phạm tội mua bán người thường rất tinh vi, xảo quyệt, lợi dụng điện thoại, mạng xã hội để làm quen, lôi kéo, dụ dỗ và lừa bán; bọn chúng móc nối với các đối tượng người địa phương hoạt động lưu động liên huyện, liên tỉnh và xuyên quốc gia nên gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, xác minh, truy bắt, xử lý đối tượng.
 
Theo báo cáo chưa đầy đủ của các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tình hình tội phạm xâm hại, mua bán trẻ em có nhiều diễn biến phức tạp, trong 5 năm từ 2017 đến tháng 12/2021 đã xảy ra 84 vụ. Trong đó, số nạn nhân là trẻ em gái bị mua bán và xâm hại tình dục chiếm hơn 80% tổng số vụ. Tại huyện Mường Chà, theo thống kê, giai đoạn từ 2015-2020 có hơn 30 vụ xâm hại và mua bán trẻ em được phát hiện, xử lý.
 
Khi nói về tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên địa bàn huyện Mường Chà, Thiếu tá Hoàng Văn Dân - Phó Đội trưởng Đội Hình sự Công an huyện Mường Chà chia sẻ:“Đối tượng mà tội phạm mua bán người hướng tới là phụ nữ và trẻ em, chủ yếu là người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, khu vực giáp biên giới, trình độ dân trí thấp, đời sống nghèo nàn, lạc hậu nên rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt.”
Mỗi buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng của Câu lạc bộ là các em có cơ hội được trao đổi, chia sẻ về các kỹ năng để bảo vệ và phát triển bản thân.


Trước thực trạng của nạn mua bán phụ nữ và trẻ em gái tại các địa phương trong tỉnh, UBND tỉnh Điện Biên đã phối hợp với các Tổ chức phi chính phủ triển khai “Dự án phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em gái tại tỉnh Điện Biên” trên địa bàn 2 huyện Mường Chà và Tuần Giáo, giai đoạn 2020-2023. Trong 2 năm qua, trên địa bàn huyện Mường Chà đã thành lập được 03 Câu lạc bộ trẻ em tại trường THCS và 06 bản thuộc các xã Huổi Lèng, Sa Lông và Hừa Ngài cho gần 200 trẻ nòng cốt, trong đó, hơn 2/3 là trẻ em gái.

Ông Nguyễn Chí Hùng – Giám sát Dự án Phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em gái tỉnh Điện Biên, tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam chia sẻ: “Sau 02 năm triển khai dự án đã thành lập được 24 Câu lạc bộ trẻ em, hỗ trợ hoạt động cho 07 Ban hoạt động vì trẻ em cấp xã đang hoạt động hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho phụ nữ và trẻ em cùng sinh hoạt, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ để bảo vệ lẫn nhau. Bên cạnh đó vai trò của Ban bảo vệ trẻ em rất tích cực trong việc thu thập thông tin, tổ chức các hoạt động tập huấn truyền thông và hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có nguy cơ cao hoặc là nạn nhân.”
 
Mỗi một buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng của Câu lạc bộ trẻ em bản Trung Dình là nơi em Dính là các em nhỏ khác có cơ hội được trao đổi, chia sẻ với các bạn cùng trang lứa, các cô chú Công an, cộng tác viên, thành viên Dự án về các kỹ năng để bảo vệ và phát triển bản thân.
 
Câu lạc bộ lấy trẻ em gái làm trọng tâm, mỗi Câu lạc bộ có từ 20-30 thành viên, đa số là trẻ em gái độ tuổi từ 12-17 tuổi, sinh hoạt 2-3 lần/tháng với nhiều nội dung và chủ đề khác nhau, vừa trang bị kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ khỏi bị mua bán và bạo lực, thúc đẩy sự quan tâm, đồng thời khuyến khích các em tham gia chia sẻ tiếng nói với người lớn và những người lãnh đạo cộng đồng về các vấn đề của trẻ.
 
Tại các trường THCS, 03 Câu lạc bộ trẻ em cho 90 trẻ nòng cốt thường xuyên duy trì sinh hoạt, tạo ra sân chơi bổ ích, sôi động về các nội dung liên quan đến hiểu biết và kỹ năng cho gần 900 học sinh về bảo vệ bản thân và người xung quanh trước các hình thức bạo lực giới, bạo lực học đường và phòng chống mua bán trẻ em. 
 
Bên cạnh đó, thành viên Câu lạc bộ còn tổ chức các cuộc tập huấn, sự kiện truyền thông, sáng kiến do chính các em khởi xướng như: truyền thông viên, đối thoại, tham gia cuộc thi Bầu trời của em, lớp học vui, hưởng ứng các chiến dịch 16 ngày chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới, Ngày thế giới Trẻ em gái... nhằm chấm dứt bạo lực và mua bán trẻ em./.
 
 
Trường Long - Hoàng Thanh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website