Ban hành Thông tư quy định về quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, giao thông đường thủy nội địa của lực lượng Cảnh sát giao thông

Mới đây, Bộ trưởng Tô Lâm đã ký ban hành 02 Thông tư, gồm Thông tư số 63/2020/TT-BCA quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông; Thông tư số 64/2020/TT-BCA quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường thủy nội địa của lực lượng Cảnh sát giao thông. Hai Thông tư này cùng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.

Theo đó, Thông tư số 63 và 64 cùng quy định rõ nguyên tắc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, như sau:

Tất cả các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra phải được điều tra, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện; các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, xử lý tin báo về TNGT phải khẩn trương cử cán bộ đến hiện trường để giải quyết theo quy định Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
 

Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong Công an nhân dân khi điều tra, giải quyết vụ TNGT bảo đảm tập trung, thống nhất theo chỉ đạo của Thủ trưởng Công an các cấp. Cơ quan, đơn vị, cá nhân cấp dưới chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra, giải quyết TNGT của cấp trên; cá nhân chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.
 

Không được lợi dụng, lạm dụng công tác điều tra, giải quyết TNGT để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 

Đối với Thông tư số 63, việc tổ chức tiếp nhận tin báo về TNGT quy định các đơn vị CSGT có trách nhiệm tiếp nhận tin báo phải tổ chức trực ban tiếp nhận đầy đủ các tin báo về TNGT. Địa điểm tiếp nhận tin báo về TNGT phải đặt ở nơi thuận tiện, có biển ghi tên cơ quan, số điện thoại, có cán bộ trực 24/24 giờ và thông báo rộng rãi để mọi người biết.

 

Cùng với đó, Mục 3 của Thông tư số 63 có quy định, vụ TNGT không có dấu hiệu tội phạm thì thời hạn điều tra, xác minh, giải quyết như sau: Nhận được tin báo về vụ TNGT thì CSGT phải tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết trong thời hạn 07 ngày; trường hợp vụ TNGT có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh thêm thì có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được tin báo về vụ TNGT. Trường hợp phải thông qua giám định chuyên môn hoặc cần phải có thêm thời gian để xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ thì người có thẩm quyền phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày…

 

Đối với Thông tư số 64 quy định quy trình điều tra, giải quyết TNGT đường thủy nội địa của lực lượng CSGT thì cán bộ CSGT đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm phát hiện hoặc cán bộ CSGT được lãnh đạo có thẩm quyền phân công đến hiện trường vụ TNGT thực hiện những nhiệm vụ như: Tổ chức cứu nạn, cứu hộ; Bảo vệ hiện trường vụ TNGT; Tổ chức điều tiết giao thông không để xảy ra ùn tắc; Thu thập thông tin ban đầu; Huy động, trưng dụng phương tiện… 

 

Ngoài ra, Mục 4 Thông tư số 64 quy định một số tình huống cụ thể trong điều tra, giải quyết TNGT, gồm: Trường hợp TNGT liên quan đến người và phương tiện thủy nội địa của nước ngoài; TNGT liên quan đến người, phương tiện của Quân đội nhân dân; Tai nạn cháy, nổ phương tiện giao thông đường thủy nội địa; Đối với vụ TNGT liên quan trực tiếp đến phương tiện chở hàng nguy hiểm; Đối với những vụ TNGT xảy ra ở địa bàn giáp ranh; Đối với vụ TNGT có xảy ra gây rối trật tự công cộng./.