Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về trình tự, thủ tục ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử

Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng vừa dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, dự thảo gồm 3 chương 12 điều.

Theo đó, Thông tư liên tịch này hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can; lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Những quy định của Thông tư liên tịch này được áp dụng trong các trường hợp lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; diễn biến phiên tòa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định tại Điều 5, trong đó có những nội dung đáng chú ý sau:

- Cán bộ hỏi cung phải đăng ký với cán bộ chuyên môn trực tiếp quản lý hệ thống thiết bị kỹ thuật ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra để được bố trí phòng làm việc, hướng dẫn về quy trình, thao tác kỹ thuật thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh…

- Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân. Trường hợp đang hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân mà thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh xảy ra sự cố kỹ thuật không thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì phải dừng ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai. Việc này ghi rõ trong biên bản, có xác nhận của cán bộ chuyên môn…

- Việc hỏi cung bị can được tại ngoại hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được thực hiện tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra.

Điều 9 quy định trình tự thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong các trường hợp khác với nội dung như sau:

Các trường hợp: lấy lời khai người làm chứng, người bị hại, đương sự; đối chất; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm; diễn biến phiên tòa mà cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có yêu cầu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì thực hiện theo trình tự, thủ tục, sử dụng, bảo quản, lưu trữ dữ liệu ghi âm, ghi hình có âm thanh như đối với hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định tại Thông tư liên tịch này. Trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật thì vẫn tiến hành làm việc bình thường và ghi rõ lý do vào biên bản.

Toàn văn của dự thảo Thông tư liên tịch được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trong thời gian 2 tháng kể từ ngày đăng./.