Hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người

Chiều 23/9/2022, tại tỉnh Quảng Ninh, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp phối hợp cùng Tiểu ban lý luận về pháp luật bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) và cải cách tư pháp - Bộ Công an và Công an tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Lý luận về pháp luật phòng, chống tội phạm và những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trong tình hình mới”.
Toàn cảnh Hội thảo.


Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thiếu tướng PGS.TS Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người gồm 8 chương 58 điều được Quốc hội khóa XII thông qua vào tháng 3/2011 có hiệu lực từ năm 2012, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm, triệt phá các băng nhóm tội phạm mua bán người; tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế với nhiều hoạt động song phương, đa phương và trên các diễn đàn quốc tế về phòng, chống mua bán người.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên phát biểu khai mạc Hội thảo.


Tuy nhiên, một số nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã bộc lộ bất cập, không còn phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay; nhiều quy định chồng chéo, khó thực hiện, ảnh hưởng đến thực tiễn công tác và đặt ra vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người.

Tại Hội thảo, các đại biểu là đại diện các cơ quan chức năng trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân cùng các chuyên gia đã trình bày nhiều tham luận ý nghĩa, tập trung đánh giá những kết quả đạt được trong thi hành pháp luật về phòng, chống mua bán người; chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong đấu tranh phòng, chống; trong công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, hợp tác quốc tế; cũng như trong tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, từ đó đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống mua bán người trong tình hình mới.

Đại tá Nguyễn Quang Phương phát biểu tại Hội thảo.


Đánh giá hành vi mua bán người là loại "tội phạm ẩn", Đại tá Nguyễn Quang Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, việc phát hiện các hành vi này rất khó khăn. Khi cơ quan chức năng nhận tin báo tố giác, việc xác minh điều tra cũng không dễ dàng, nhất là với các vụ mua bán người ra nước ngoài do đã xảy ra từ lâu, đối tượng và nạn nhân thường ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các chứng cứ có thể thu thập thường ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của người bị hại và người nhà các nạn nhân bị mua bán.

Theo Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người thời gian qua cho thấy nhiều bất cập, các chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán không còn phù hợp, một số quy định khác chồng chéo nhau, gây khó cho công tác xác minh, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đòi hỏi cần sớm sửa đổi, bổ sung.

Thông tin về quan hệ hợp tác quốc tế trong phòng chống mua bán người, Đại tá PGS.TS Lê Hoài Nam, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I nêu rõ, Việt Nam luôn chú trọng, tham gia tích cực các cơ chế hợp tác song phương, đa phương, khu vực và quốc tế, có thể kể tới như Nghị định thư Palermo về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; hay Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo.

 

Tuy nhiên, giữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phòng chống mua bán người của Việt Nam và quốc tế còn có điểm chưa tương thích, kéo theo rào cản trong phối hợp đấu tranh, trao đổi thông tin, truy bắt đối tượng. Đại tá Lê Hoài Nam cho rằng, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu rà soát để sửa đổi bổ sung các quy định phòng, chống mua bán người sao cho phù hợp hơn với các quy định quốc tế.

Thượng tá Đinh Văn Trình, đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đánh giá, thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm mua bán người tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kiến nghị tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phòng ngừa xã hội, đồng thời thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ để tăng cường hơn nữa hiệu quả phòng, chống mua bán người.

 

Thái Hà - Minh Ngân