Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý

Ngày 14/4/2020, Bộ Công an tổ chức lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý với mục đích quản lý tốt người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, đấu tranh từng bước loại trừ tệ nạn ma túy, tội phạm ma túy ra khỏi đời sống xã hội…

Dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý gồm 09 chương 68 điều quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; hợp tác quốc tế và quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Đồng thời, Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống ma túy.

 

Theo đó, những nội dung đáng chú ý liên quan đến: Trách nhiệm phòng, chống ma tuý; Kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; Cai nghiện ma túy; Quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy; Hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy được quy định cụ thể từ Chương II đến Chương VII dự thảo Luật.

 

Nổi bật, dự thảo Luật đã bổ sung thêm chương Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy (Chương IV) quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, bổ sung thêm quy định về thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy. Trong đó, việc xác định người sử dụng trái phép chất ma túy căn cứ vào một trong ba cơ sở, gồm: Bị phát hiện khi đang sử dụng trái phép chất ma túy; Xét nghiệm có dương tính với chất ma túy mà người đó không chứng minh được việc sử dụng chất ma túy là hợp pháp; Quy định các cơ quan chức năng có quyền cưỡng chế đối với trường hợp không hợp tác để xét nghiệm xác định việc sử dụng trái phép chất ma túy.

 

Toàn văn dự thảo Luật được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng./.

 

Dự thảo Tờ trình dự án Luật Phòng, chống ma tuý cho biết: Tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số vụ, số đối tượng, khối lượng chất ma túy gia tăng theo từng năm. Năm 2008 toàn quốc phát hiện, bắt giữ 12.850 vụ; 20.268 đối tượng; thu 156,163 kg hêrôin; 18,796 kg thuốc phiện; 8 tấn cần sa (vụ bắt 05 đối tượng người Trung Quốc); 27,95 kg và 44.054 viên ma túy tổng hợp; năm 2019 toàn quốc phát hiện 22.814 vụ (tăng 77% so với 11 năm trước); 35.151 đối tượng (tăng 73%); thu giữ 1.494,29 kg Hêrôin (tăng 857%); 5.500,55 kg (tăng 19.580%) và 987.913 viên ma túy tổng hợp; 585,99 kg cần sa; 120,54 kg cocain cùng nhiều phương tiện, tài sản khác. Trung bình trong 05 năm gần đây cả nước phát hiện khoảng 20.000 vụ với trên 30.000 đối tượng, khối lượng chất ma túy thu giữ tính bằng tấn. 

Tình hình số người nghiện cũng gia tăng, năm 2009 cả nước có 146.731 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12/2019 cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 160%). Tình hình số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít sang tiêm chích, uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)...

Xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống ma túy, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.