Nghị định quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước

Ngày 23/02/2018, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 21/2018/NĐ-CP quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ; Nghị định gồm 4 chương 20 điều.

Nghị định này quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước (sau đây gọi tắt là hàng đặc biệt) trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ. Việc bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt do các lực lượng trong Quân đội nhân dân đảm nhiệm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

* Điều 3 của Nghị định quy định, hàng đặc biệt do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển, gồm:

- Tiền mặt (tiền đồng Việt Nam), giấy tờ có giá (trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu, công trái và các loại giấy tờ có giá khác theo quy định của pháp luật) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước.

- Tài sản quý (vàng, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ tiền mặt và các loại tài sản quý khác) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước.

- Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước.

* Chủ thể bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt được quy định tại Điều 4, gồm những lực lượng sau:

- Lực lượng vũ trang bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt bao gồm:

+ Đơn vị Cảnh sát nhân dân trực thuộc Bộ Công an có trách nhiệm vũ trang bảo vệ các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt do các cơ quan quản lý hàng đặc biệt ở Trung ương yêu cầu;

+ Đơn vị Cảnh sát nhân dân trực thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm vũ trang bảo vệ các chuyến vận chuyển hàng đặc biệt do các cơ quan quản lý hàng đặc biệt ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt khi có yêu cầu, bao gồm:

+ Các lực lượng nghiệp vụ khác thuộc Công an nhân dân; 
+ Dân quân tự vệ tại các địa bàn trên tuyến vận chuyển;
+ Cơ quan trực tiếp quản lý, bảo quản hàng đặc biệt;
+ Người điều khiển phương tiện và cán bộ, nhân viên phục vụ trên phương tiện vận chuyển.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt khi có yêu cầu, bao gồm:

+ Các lực lượng thi hành pháp luật trên tuyến vận chuyển hàng đặc biệt, bao gồm Thanh tra giao thông, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Thuế, Cảnh sát biển, Quân chủng phòng không - không quân và các lực lượng khác có chức năng, nhiệm vụ thi hành pháp luật tại các trạm kiểm soát, các đơn vị tuần tra cơ động trên tuyến vận chuyển;

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ tại bến cảng, bến tàu, phà, nhà ga hoặc tại các điểm dừng, đỗ nơi phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt đi qua hoặc dừng lại.

* Chương II gồm 7 điều quy định về công tác tổ chức bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, gồm:

Điều 6. Yêu cầu bảo vệ và hồ sơ vận chuyển hàng đặc biệt
Điều 7. Giao, nhận, xếp, dỡ hàng đặc biệt
Điều 8. Phương tiện vận chuyển hàng đặc biệt
Điều 9. Bố trí cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt
Điều 10. Trưởng đoàn vận chuyển, Chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát nhân dân bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt
Điều 11. Quá trình vận chuyển
Điều 12. Điều kiện bảo đảm cho công tác vận chuyển hàng đặc biệt

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/04/2018./.