Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống ma túy

Ngày 30/3/2021, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật Phòng, chống ma tuý (Luật số 73/2021/QH14); có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.

Luật Phòng, chống ma túy gồm 08 chương 55 điều, quy định về phòng, chống ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

 

Theo đó, Luật quy định rõ chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy là: Ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy. Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ...

 

Đồng thời, để bảo đảm điều kiện cho công tác phòng, chống ma túy, tăng cường nguồn lực và năng lực cho các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, Luật bổ sung quy định cụ thể về nguồn tài chính cho phòng, chống ma túy tại Điều 4, gồm: ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, viện trợ, đầu tư, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; chi trả của gia đình, người nghiện ma túy; các nguồn tài chính hợp pháp khác. 

 

Bên cạnh đó, Luật bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: nghiên cứu, kiểm nghiệm, kiểm định trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy. Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy; kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy…

 

Ngoài ra, tại Điều 11 Luật này quy định cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy bao gồm: Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân; Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam và Hải quan.

 

Trong đó, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm về ma túy. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt Nam, Hải quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan công an, cơ quan, tổ chức khác có liên quan thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm về ma túy tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát.

 

Trên cùng một địa bàn khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan thì cơ quan phát hiện trước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định; trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển giao hồ sơ, người, tang vật vi phạm pháp luật cho cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết. Luật giao Chính phủ quy định việc phối hợp của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy.