Quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân

Mới đây, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân; Dự thảo gồm 03 chương 31 điều.

Theo đó, Thông tư này quy định quy trình giải quyết tố cáo, giải quyết lại vụ việc tố cáo trong Công an nhân dân, bao gồm việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo; việc xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo và công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

* Việc giải quyết tố cáo có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay được quy định tại Điều 4. Trong đó, việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Luật Tố cáo; không áp dụng trình tự, thủ tục giải quyết theo quy trình tại Thông tư này.

* Xử lý tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo được quy định tại Điều 7. Theo đó, khi nhận được thông tin tố cáo quy định tại Khoản 2 Điều 25 của Luật Tố cáo, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị Công an có thẩm quyền giải quyết tố cáo tổ chức kiểm tra thông tin về người bị tố cáo, hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được nêu trong nội dung tố cáo và các thông tin khác có liên quan, nếu có tài liệu cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm và có cơ sở để xác minh thì tiến hành kiểm tra hoặc thanh tra đột xuất phục vụ công tác quản lý; nếu không có tài liệu cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật hoặc không có cơ sở để xác minh thì không xem xét, xử lý.

* Điều 8 quy định về xử lý việc rút tố cáo. Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết. Người tố cáo có thể cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo nhưng không bắt buộc. Người giải quyết tố cáo áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo theo quy định; xử lý người có hành vi đe dọa, mua chuộc người tố cáo.

Trường hợp người tố cáo rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo cố ý tố cáo sai sự thật để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì tố cáo vẫn phải được giải quyết, người tố cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

* Chương II quy định về quy trình giải quyết tố cáo. Mục I quy định về kiểm tra điều kiện thụ lý và chuẩn bị xác minh nội dung tố cáo; Mục II quy định việc tiến hành xác minh nội dung tố cáo.
 

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (đường link: http://bocongan.gov.vn/van-ban/van-ban-du-thao.htmlđể lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng.