Thẩm quyền xử phạt của lực lượng Công an nhân dân trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Nghị định gồm 05 chương 44 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2020.

Nghị định này quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Đối tượng áp dụng quy định tại Điều 2 Nghị định, bao gồm: Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; Cá nhân, tổ chức có liên quan…

 

Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tại Điều 3 của Nghị định. Theo đó, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.

 

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc cải chính, xin lỗi; Buộc xin lỗi công khai; Buộc thu hồi sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí, chương trình phát thanh, truyền hình, xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật; Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định pháp luật đã đăng, phát trên báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp… Hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; Buộc thu hồi tên miền, địa chỉ Internet (IP)…

 

Đáng chú ý, hành vi mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí; hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân; hành vi sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa để hoạt động báo chí đều bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. 

 

Tại Điều 8 của Nghị định cũng nêu rõ các hành vi vi phạm quy định về đăng, phát nội dung thông tin trên báo chí, bản tin, đặc san có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Trong đó, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi minh họa, đặt tiêu đề tin, bài không phù hợp nội dung thông tin làm cho người đọc hiểu sai nội dung thông tin; hành vi đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác…

 

Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi như: Đăng, phát thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; Đăng, phát thông tin xuyên tạc, bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Đăng, phát thông tin có nội dung gây ảnh hưởng đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đăng, phát thông tin xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; Đăng, phát thông tin xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo…

 

Đối với thẩm quyền xử phạt trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, tại Điều 39 của Nghị định đã quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt của lực lượng Công an nhân dân. Lực lượng Công an nhân dân có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 200.000.000 đồng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c, d, đ, e, g, h, i, k, l, n, o, p và q Khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

 

Nghị định này thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, trừ trường hợp quy định tại Điều 43 Nghị định này./.