Thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy

Mới đây, Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; Dự thảo gồm 03 chương 18 điều.


Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung thực hiện dân chủ trong công tác của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.

Đối tượng áp dụng là Công an các đơn vị, địa phương; cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân hoạt động trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (gọi chung là cơ quan, tổ chức, cá nhân) có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.

* Theo đó, những nội dung đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy phải thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân biết được quy định tại Điều 10, gồm:

- Thủ tục, thời gian thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đối với dự án, công trình xây dựng và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.

- Thủ tục và thời gian cấp giấy phép vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.

- Thủ tục và thời gian cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thủ tục xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thủ tục giải quyết, xử lý các vụ cháy, nổ.

- Thủ tục và thời gian phê duyệt phương án chữa cháy và phương án cứu nạn, cứu hộ.

- Thủ tục, lệ phí và thời gian kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Thủ tục và thời gian cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy.

- Thủ tục và thời gian cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy.

- Thủ tục và thời hạn cấp giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

* Những việc cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến, gồm những nội dung sau:

- Biện pháp để thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Phương án, kế hoạch, biện pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại nơi cư trú, nơi làm việc.

- Việc thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Đề nghị biểu dương khen thưởng cơ quan, tổ chức, cơ sở, cá nhân có thành tích trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

* Việc tiếp nhận và giải quyết đơn, thư góp ý, khiếu nại, tố cáo được quy định tại Điều 13 với những nội dung đáng chú ý sau:

- Theo đó, Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm tiếp người đến làm thủ tục về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hoặc đến kiến nghị, khiếu nại, tố cáo khi những người này đã được bộ phận chuyên môn tiếp nhưng họ thấy không thỏa đáng hoặc vì lý do nào đó họ đề nghị được trực tiếp gặp Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Trường hợp Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy vắng mặt, thì một Phó Thủ trưởng được Thủ trưởng ủy quyền thực hiện trách nhiệm này.

- Ngoài ra, đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có quyền từ chối tiếp những người say do dùng rượu, bia, chất kích thích khác hoặc có lời nói, hành vi khác vi phạm nếp sống văn minh ở nơi công cộng; kiên quyết xử lý những người có hành vi gây rối trật tự trong đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; không xem xét, giải quyết những đơn, thư nặc danh, mạo danh.

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (đường link: http://bocongan.gov.vn/van-ban/van-ban-du-thao.html) để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng.