Văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác công an ban hành trong tháng 11/2021

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030; Định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh... là những nội dung nổi bật quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác công an ban hành trong tháng 11.

Bộ Công an tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự

 

Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 02 luật đã được Quốc hội thông qua.

 

Ngày 29/11/2021, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 02 luật đã được Quốc hội Khóa XV, Kỳ hợp thứ 2 thông qua, trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự đã được thông qua gồm 02 điều, nhằm đáp ứng yêu cầu, bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) đối với Việt Nam và giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2021.

 

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc và lãnh đạo các Bộ, Ngành tại Lễ ký Thông tư liên tịch.

 

Chiều cùng ngày, Bộ Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Lễ ký Thông tư liên tịch sửa đổi Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Thông tư liên tịch quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” theo điểm c Khoản 1 Điều 148, điểm d Khoản 1 Điều 229 và điểm d Khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trước đó, ngày 19/11/2021, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã chủ trì Hội nghị quán triệt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành trong CAND theo hình thức trực tuyến từ Bộ tới Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương https://bocongan.gov.vn/tin-tuc-su-kien/hoat-dong-cua-luc-luong-cong-an/tin-hoat-dong-cua-bo/quan-triet-trien-khai-luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-bo-luat-to-tung-hinh-su-trong-cong-an-nhan-dan-d2-t30518.html

 

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1944/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030.

 

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW.

 

Theo đó, nhiệm vụ được đặt ra là nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; chủ động phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm nhằm giảm bền vững các loại tội phạm và giảm tỷ lệ phạm tội lần đầu. 


Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các hình thức tuyên truyền phòng, chống tội phạm, nâng cao nhận thức pháp luật cho Nhân dân, nhất là thanh thiếu niên, người lao động, học sinh, sinh viên... ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, biển đảo. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong công tác phòng, chống tội phạm. 


Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tấn công trấn áp, điều tra, xử lý tội phạm. Trong đó, tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả 15 đề án thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030; thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để hoạt động, tội phạm về ma túy, tội phạm xâm hại phụ nữ, trẻ em, tội phạm trên không gian mạng, tội phạm về môi trường, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng, tội phạm liên quan đến kinh doanh đa cấp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

 

Thực hiện kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành

Quyết định số 1911/QĐ-TTg của Chính phủ chính thức có hiệu lực thi hành; quy định rõ trách nhiệm của Bộ Công an là quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong việc kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng, lưu trữ dữ liệu thông tin công dân để giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Định kỳ 6 tháng và hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu khác...

Kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

 

Định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh là quy định tại Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg của Chính phủ. Quyết định quy định cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử. Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ...

Quyết định số 34 quy định cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử.

 

Việc tạo lập tài khoản định danh điện tử của cá nhân để thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử phải sử dụng danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp. Việc sử dụng tài khoản định danh điện tử được tạo lập bởi Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an để thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử do cơ quan quản lý Cổng dịch vụ công quyết định...

 

Công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã ký ban hành Thông tư số 98/2021/TT-BCA quy định cụ thể về công tác tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân; Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/12/2021. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an định kỳ tiếp công dân mỗi tháng ít nhất một ngày tại địa điểm tiếp công dân của Bộ Công an...

 

Bộ trưởng Tô Lâm tiếp công dân định kỳ hằng tháng.

 

Nguyên tắc tiếp công dân phải tuân thủ quy định của Luật Tiếp công dân, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tiếp công dân; việc tiếp công dân phải được tiến hành tại địa điểm tiếp công dân của Công an các cấp có thẩm quyền.

 

Bảo đảm công khai, dân chủ, kịp thời; thủ tục đơn giản, thuận tiện; giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm khách quan, bình đẳng, không phân biệt đối xử trong khi tiếp công dân; tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

 

Ngoài ra, dự thảo Thông tư quy định về giám định viên lĩnh vực kỹ thuật hình sự; tiêu chuẩn bổ nhiệm chức danh giám định viên, người giúp việc giám định viên lĩnh vực kỹ thuật hình sự, pháp y trong Công an nhân dân; công bố tổ chức, người giám định theo vụ việc trong Công an nhân dân đã được hoàn thiện trong tháng 11 để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 

Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Hà Tĩnh đang tiến hành giám định.