Nội dung cơ bản của Luật Kế toán năm 2015

Ngày 20/11/2015 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật Kế toán số 88/2015/QH13 (sau đây gọi là Luật Kế toán năm 2015).

Luật Kế toán số 03/2003/QH11 (sau đây gọi là Luật kế toán năm 2003) đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 17/6/2003, có hiệu lực từ ngày 01/01/2004. Sau 10 năm triển khai thi hành cho thấy, Luật Kế toán năm 2003 đã hình thành khuôn khổ pháp lý quan trọng cho hoạt động kế toán, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính, từng bước đưa công tác kế toán đi vào khuôn khổ và thực hiện thống nhất trong cả nước.

Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và lộ trình hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nói chung, hệ thống pháp luật về kinh tế tài chính nói riêng, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; chất lượng công tác kế toán còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và đòi hỏi của thực tế; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán ngày càng mở rộng, trong khi đó Luật Kế toán năm 2003 chưa quy định nội dung này nên cần phải được bổ sung, sửa đổi.

Vì Vậy, Ngày 20/11/2015 Luật Kế toán số 88/2015/QH13 đã được Quốc hội xem xét thông qua. Luật đã được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố số 16/2015/L-CTN ngày 04/12/2015 bao gồm 06 chương, 74 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017./.