Nội dung cơ bản của Luật Trưng cầu ý dân năm 2015

Ngày 25/11/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khóa XIII với 86,23% phiếu tán thành đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân gồm 8 chương, 52 điều có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.

Trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Thực tiễn đã cho thấy, từ khi thành lập nước đến nay, nhất là từ sau năm 1976, sau khi đất nước thống nhất việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với các chủ trương, chính sách, pháp luật trước khi ban hành đã được triển khai; việc tham vấn chuyên gia và thực hiện phản biện xã hội cũng đã được mở rộng; việc công khai các dự thảo văn bản luật và chính sách được coi là nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hoạch định chính sách. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, kết quả của các hoạt động lấy ý kiến Nhân dân, để Nhân dân quyết định trực tiếp đối với những vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh cũng còn rất nhiều hạn chế, một trong những nguyên nhân là cho đến nay nước ta vẫn chưa có thể chế pháp lý rõ ràng về trưng cầu ý dân.

 Vì vậy, việc ban hành Luật Trưng cầu ý dân tạo khuôn khổ pháp lý cho đông đảo người dân tham gia chủ động, tích cực và quyết định vào các công việc của Nhà nước và xã hội phù hợp với bản chất dân chủ XHCN, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước, đáp ứng nhu cầu khách quan trong sự nghiệp đổi mới đất nước./.