Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá

07/11/2022
Lượt xem:1067
Sáng 7/11/2022, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết Thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Đây là nghị quyết do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, dự kiến được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình 1 kỳ họp.
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết.


Tăng thu ngân sách, không tạo đầu cơ

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cơ bản tán thành với hồ sơ dự thảo Nghị quyết Thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ô tô thông qua đấu giá và báo cáo Bộ Công an giải trình, tiếp thu các ý kiến thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết. Đồng thời đánh giá, việc ban hành Nghị quyết là cần thiết và có tác dụng tích cực, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân được bình đẳng lựa chọn biển số xe theo sở thích và thông qua đấu giá, tăng hiệu lực công tác quản lý đăng ký xe ô tô cá nhân và tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc.

 

Việc Quốc hội ban hành nghị quyết là đúng thẩm quyền vì mục đích là để thí điểm một số nội dung còn vướng mắc so với quy định tại một số luật hiện hành, như quy định về cấm mua bán biển số xe cơ giới tại Khoản 2 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008; quy định về đấu giá tài sản công, trường hợp chỉ có một người duy nhất tham gia đấu giá như tại Điều 59, Luật Đấu giá tài sản năm 2016…

Góp ý vào điểm b Khoản 1 Điều 3 dự thảo Nghị quyết về quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá được sử dụng biển số xe trúng đấu giá để đăng ký cho xe thuộc sở hữu của mình, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định rõ thêm điều kiện của xe ô tô thuộc sở hữu của mình được phép đăng ký gắn với biển số xe trúng đấu giá, như phải là xe mới chưa đăng ký hoặc là xe đã đăng ký rồi nhưng được chuyển sang biển được trúng đấu giá.

Đại biểu Quốc hội Phan Thị Nguyệt Thu.


ĐBQH Phan Thị Nguyệt Thu (Hà Tĩnh) tán thành cao việc ban hành Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá nhằm đảm bảo công khai minh bạch trong quản lý nhà nước về quản lý phương tiện giao thông đường bộ; phù hợp nhu cầu, mong mỏi người dân và đảm bảo hài hòa lợi ích cá nhân, doanh nghiệp và nhà nước khi tăng thu ngân sách. Bên cạnh đó, Bộ Công an từng tiến hành thí điểm vấn đề này tại TP Hải Phòng. Các nước trong khu vực như Singapore, Myanmar... cũng có thực hiện việc đấu giá này.

"Về giá khởi điểm, ngay sau khi tiếp thu ý kiến ĐBQH, nghị quyết đã đưa mức giá chung 40 triệu đồng là hoàn toàn hợp lý, đảm bảo công bằng giữa những người tham gia đấu giá", nữ ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh.


Thống nhất với nhiều nội dung trong Nghị quyết, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, Nghị quyết có quy định người dân trên toàn quốc được đấu giá biển số ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho nên quy định thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là hợp lý. "Về quy định đăng ký xe 12 tháng sau khi trúng đấu giá là phù hợp để người trúng đấu giá có thời gian mua xe, thời hạn này không tạo cơ hội để đầu cơ biển số, vì Nghị quyết không cho phép mua bán biển số trúng đấu giá", đại biểu lý giải. Bên cạnh đó, theo đại biểu, có thể quy định thêm, người đã có biển số trúng đấu giá mà chưa gắn vào xe ô tô thì không được tiếp tục tham gia đấu giá.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh cũng đóng góp một số ý kiến vào vấn đề tổ chức thực hiện để gia tăng thu ngân sách từ việc đấu giá biển số xe, đồng thời bày tỏ mong muốn những nội dung có tính khả thi cao sẽ được đưa vào dự thảo Nghị quyết để tăng thêm nguồn thu, thỏa mãn nhu cầu của người đấu giá, vừa có căn cứ vững chắc để đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật có tính ổn định, lâu dài sau khi kết thúc thí điểm...

Cấp biển số không theo hộ khẩu - bước tiến mới trong quản lý nhà nước

ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) cũng nhất trí cao với việc thí điểm thực hiện quyền cấp lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá bởi nội dung này đã có quá trình chuẩn bị nghiên cứu công phu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và đã lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực có liên quan.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ.


ĐBQH Nguyễn Phương Thủy đánh giá Chính phủ và đặc biệt là Cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Công an đã hết sức khẩn trương, nghiêm túc, cầu thị trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết. Nhiều nội dung Cơ quan chủ trì thẩm tra và các Ủy ban của Quốc hội tham gia ý kiến cũng đã được nghiên cứu, tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.

Góp ý kiến về công tác quản lý biển số được đấu giá, ĐBQH Nguyễn Phương Thủy cho biết, hiện nay việc đăng ký và được cấp biển kiểm soát có số đăng ký theo tỉnh, thành phố mà chủ xe có trụ sở hoặc cư trú. Khi sang tên, chuyển địa chỉ sang tỉnh, thành phố khác thì phải thực hiện việc đăng ký sang tên, cấp đổi đăng ký và nộp lại biển số đã được cấp để xin cấp lại biển số ở tỉnh, thành phố nơi chuyển.

Theo dự thảo Nghị quyết, việc cấp biển số xe sẽ không còn phụ thuộc vào nơi chủ xe có trụ sở hoặc cư trú nữa, đây là thay đổi rất lớn trong công tác quản lý phương tiện nhưng chưa được đánh giá tác động. Thực tế, việc đăng ký và quản lý phương tiện theo địa bàn vừa để xác định cơ quan có thẩm quyền đăng ký vừa để thống kê, quản lý phương tiện lưu thông và các số liệu đăng ký đang là một trong những thông tin quan trọng phục vụ công tác quy hoạch, quản lý an ninh, trật tự…

Trong khi đó, Bộ Công an khẳng định, việc quy định người dân tham gia đấu giá trên toàn quốc không theo hộ khẩu thường trú là phù hợp, khả thi do Bộ Công an đang thực hiện việc quản lý bằng dữ liệu điện tử nên vẫn bảo đảm yêu cầu về quản lý nhà nước về phương tiện giao thông và bảo đảm tối đa quyền lợi của người dân. "Tôi tán thành với giải trình bổ sung này của Bộ Công an vì đây là một bước tiến lớn trong công tác quản lý nhà nước nói chung và việc chuyển đổi số của Bộ Công an", ĐBQH TP Hà Nội nêu quan điểm và đề nghị cần sửa đổi Thông tư 58 về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phù hợp.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận.

 

Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trân trọng cảm ơn và khẳng định sẽ tiếp thu, tổng hợp tất cả nội dung mà các ĐBQH đã đóng góp ý kiến: Về tên gọi, phạm vi thí điểm; phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng, biển số xe ô tô được đem ra đấu giá; giá khởi điểm, tiền đặt trước, việc quản lý, sử dụng tiền thu được thông qua đấu giá; các hình thức, quy trình, thủ tục, trình tự đem ra đấu giá; quy định đấu giá trong trường hợp chỉ một người đấu giá, trả giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; thời gian thực hiện thí điểm, quyền của người thực hiện trúng đấu giá khi kết thúc thí điểm...

"Chúng tôi sẽ tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng, báo cáo Chính phủ, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH và cử tri để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo Quốc hội thông qua theo đúng quy định của pháp luật" - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

 

Quỳnh Vinh - Minh Ngân
Tìm kiếm