Chiến dịch về phòng, chống mua bán người và đưa người di cư trái phép lần thứ 2 của INTERPOL

08/12/2023
Vừa qua, INTERPOL đã điều phối triển khai Chiến dịch về phòng, chống mua bán người và đưa người di cư trái phép lần thứ 2 (Chiến dịch Storm Maker) với sự tham gia của 27 quốc gia trên khắp châu Á và các khu vực khác.

Sau 5 tháng phối hợp điều tra, từ ngày 16 -  20/10/2023, cơ quan thực thi pháp luật của 27 quốc gia đã thực hiện hơn 270.000 cuộc thanh tra và kiểm tra tại 450 điểm nóng về mua bán người và đưa người di cư trái phép. Nhiều điểm nóng được sử dụng để đưa nạn nhân đến các trung tâm lừa đảo qua mạng khét tiếng ở Đông Nam Á. Nạn nhân thường bị dụ dỗ thông qua các quảng cáo việc làm giả mạo và buộc phải thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến ở quy mô công nghiệp, đồng thời còn phải chịu sự lạm dụng về thể xác. Các phương thức lừa đảo bao gồm lừa đảo đầu tư tiền điện tử, lừa đảo làm việc tại nhà, xổ số và đánh bạc trực tuyến. Tính đến thời điểm hiện tại, Cơ quan thực thi pháp luật các nước đã bắt giữ 281 đối tượng về hành vi mua bán người, làm giả hộ chiếu, tham nhũng, gian lận viễn thông và bóc lột tình dục; giải cứu 149 nạn nhân; tiến hành hơn 360 cuộc điều tra và nhiều cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn.
 

Lực lượng chức năng Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 239 kẻ đưa người di cư trái phép trong Chiến dịch.
Lực lượng chức năng Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 239 kẻ đưa người di cư trái phép trong Chiến dịch.
 
Kiểm tra giấy tờ tại Brazil.
Kiểm tra giấy tờ tại Brazil.

 
Đây là Chiến dịch đầu tiên của INTERPOL đặc biệt nhắm vào tội phạm lừa đảo do mua bán người. Theo đánh giá của INTERPOL và cơ quan thực thi pháp luật các nước thì các trường hợp lừa đảo trên mạng được phát hiện trong quá trình diễn ra Chiến dịch chứng tỏ phương thức hoạt động này đang mở rộng ra ngoài khu vực Đông Nam Á. Các nạn nhân đến từ nhiều lục địa và các trung tâm lừa đảo mới xuất hiện ở những nơi xa xôi như Châu Mỹ Latinh.
 

Lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu người di cư.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu người di cư.


Một số kết quả nổi bật từ các nước tham gia Chiến dịch:

- Tại Peru: Trong giai đoạn chuẩn bị Chiến dịch, INTERPOL đã hỗ trợ các cơ quan chức năng trong nước xử lý vụ việc 40 nạn nhân người Malaysia bị dụ dỗ đến Peru với lời hứa hẹn một công việc lương cao, nhưng sau đó bị buộc phải thực hiện hành vi lừa đảo viễn thông.

- Tại Uganda: Cơ quan thực thi pháp luật Uganda nhận được báo cáo về việc một số công dân bị đưa đến Dubai - được cho là để làm việc - trước khi bị đưa sang Thái Lan và sau đó là Myanmar. Tại đây, các nạn nhân được giao cho một tổ chức lừa đảo trực tuyến, bị canh gác có vũ trang và buộc phải thực hiện hành vi lừa đảo.

- Tại Ấn Độ: Cảnh sát bang Telangana đã ghi nhận một trong những trường hợp buôn người đầu tiên nhằm mục đích lừa đảo qua mạng. Một kế toán bị dụ đỗ đến Đông Nam Á làm việc, tuy nhiên sau đó, người này bị buộc phải tham gia vào các kế hoạch lừa đảo trực tuyến trong điều kiện khắc nghiệt và chỉ có thể rời đi sau khi anh ta trả tiền chuộc.

- Tại Myanmar: Trong năm qua, các cơ quan thực thi pháp luật cho biết đã giải cứu các nạn nhân buôn người đến từ 22 quốc gia, phần lớn là từ các bang Kayin và Shan.

- Tại Ấn Độ: Cơ quan thực thi pháp luật đã giải cứu được một cậu bé 13 tuổi đến từ Bangladesh bị bán sang Ấn Độ, 02 nạn nhân nữ người Nepal, trong đó có một người 17 tuổi đã bị buôn bán đến New Delhi và bị mắc kẹt trong động mại dâm.

- Tại Thổ Nhĩ Kỳ: Đã bắt giữ 239 kẻ đưa người di cư trái phép khi tuần tra quanh bờ biển nước này, ngăn chặn gần 4.000 người di cư trái phép.

Chiến dịch Storm Makers II được tài trợ bởi Văn phòng hỗ trợ khu vực của tiến trình Bali, Bộ Ngoại giao Canada và Bộ Công an Trung Quốc. 27 quốc gia tham gia Chiến dịch lần này gồm: Angola, Úc, Bangladesh, Brazil, Campuchia, Trung Quốc, Ethiopia, Ghana, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Kenya, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Pakistan, Philippines, Singapore, Nam Phi, Sri Lanka, Tanzania, Thái Lan , Thổ Nhĩ Kỳ, Uganda, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và Việt Nam.

Bản quyền INTERPOL
Tìm kiếm