Hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp tại Trung Phi

08/07/2021
Nổi tiếng với các mỏ khoáng sản rộng lớn, khu vực Trung Phi gần đây đã nằm trong tầm ngắm của các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia do giá vàng tăng vọt trong đại dịch COVID-19 toàn cầu.

Trong khi khai thác vàng là hoạt động truyền thống ở hầu hết các quốc gia Trung Phi, những bất ổn kinh tế liên quan đến đại dịch đã thúc đẩy các nhà đầu tư toàn cầu hướng tới mặt hàng này, thường được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ khó khăn. Vào tháng 8/2020, giá vàng đạt mức cao nhất chưa từng có là 2.048 USD/ounce. Đồng thời, nhu cầu đối với các khoáng sản khác tại Trung Phi như ‘3Ts’ - thiếc, tantali và tungsten - đã giảm trong thập kỷ qua do giá quốc tế giảm và các yêu cầu tìm nguồn cung ứng nghiêm ngặt hơn của các công ty thu mua.

Điều nghịch lý là trong khi giá vàng tăng trên toàn cầu thì việc đóng cửa biên giới và các biện pháp hạn chế do COVID-19 đã làm giá vàng tại mỏ trên khắp châu Phi giảm tới 50%. Ví dụ, tại Cộng hòa Trung Phi, giá vàng tại các điểm khai thác đã giảm xuống 50-60% so với giá thị trường thế giới.

Các tổ chức tội phạm kiểm soát nhiều mỏ vàng tại khu vực.

Những yếu tố này đã dẫn đến “cơn sốt vàng mới” ở các điểm nóng khai thác vàng ở Trung Phi, đặc biệt là trong lĩnh vực khai thác vàng thủ công và quy mô nhỏ chủ yếu diễn ra trong khu vực kinh tế phi chính thức hoặc bất hợp pháp.

Báo cáo chỉ ra rằng việc khai thác vàng phần lớn được kiểm soát bởi các tổ chức tội phạm bao gồm các nhóm tội phạm có tổ chức, các quan chức cấp cao tham nhũng và các nhóm vũ trang tại các khu vực xung đột. Các thành phần này cố gắng khai thác tối đa giá trị từ việc khai thác vàng bất hợp pháp trong khi tránh nộp bất kỳ loại thuế xuất khẩu nào. Hầu hết vàng trong khu vực được sản xuất bất hợp pháp và buôn lậu ra nước ngoài. Nguồn thu bất hợp pháp này đã thu hút nhiều loại tội phạm có tổ chức, bao gồm các nhóm ly khai có vũ trang hoặc các nhóm bán quân sự khủng bố.

Nguy cơ ô nhiễm môi trường do khai thác vàng bất hợp pháp trên khắp Trung Phi là khá rõ rệt. Các thợ mỏ sử dụng các hóa chất như thủy ngân và xyanua để khai thác vàng từ quặng. Những hóa chất như vậy độc hại ngay cả với liều lượng nhỏ và gây ô nhiễm không khí, đất, nước và tất cả đời sống động thực vật. Tại nước Cộng hòa Congo, ước tính có khoảng 15,9 kg thủy ngân được thải ra hàng năm. Theo chính quyền địa phương, khai thác vàng là “nguyên nhân chính gây ra các vấn đề cho nước, thủy hải sản và sức khỏe cộng đồng.
 

Bản quyền: INTERPOL
Tìm kiếm