Mục tiêu 100% công dân giao dịch được trên môi trường điện tử

17/03/2023
Sáng 17/3/2023, tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 21, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 2 dự án: Luật Căn cước công dân (CCCD) (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND. Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.


4 nhóm chính sách phục vụ chuyển đổi số quốc gia

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật CCCD (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Về dự án Luật CCCD sửa đổi, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Luật CCCD được Quốc hội khóa XIII thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ và góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội.  

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích của thẻ CCCD, phục vụ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật CCCD (sửa đổi) với 4 nhóm chính sách là: Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ CCCD; thẻ CCCD có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ CCCD; bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD; bổ sung đối tượng được cấp thẻ CCCD và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước; hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ CCCD và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên họp.


Thẩm tra đề nghị bổ sung 2 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật CCCD nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, bảo đảm cơ sở pháp lý và sự đồng bộ, thống nhất trong việc tích hợp, quản lý, sử dụng thông tin trong thẻ CCCD theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới cơ bản thống nhất với tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 2 dự án Luật trên. Về Luật CCCD, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh tán thành với việc cần thiết sửa đổi Luật này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật CCCD năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích của thẻ CCCD, phục vụ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh cũng đồng tình với các nhóm chính sách trong sửa đổi Luật bao gồm: Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ CCCD; thẻ CCCD dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ CCCD; bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD…

Cấp thẻ CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi phục vụ học hành, đi lại cho các cháu

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc sửa đổi Luật CCCD hiện nay là rất cần thiết để thực hiện các chỉ đạo của Đảng trong thời gian qua. “Từ khi Luật CCCD được ban hành đến nay, đã có rất nhiều văn bản quan trọng của Đảng chỉ đạo vấn đề này để quản lý xã hội, phục vụ nhân dân”  - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Đồng chí Bộ trưởng dẫn chứng các chỉ đạo quan trọng của Đảng về vấn đề này như: Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra mục tiêu năm 2030 toàn bộ dân số Việt Nam sẽ được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư thống nhất quy mô toàn quốc; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã xác định xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia hình thành trong hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng của địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất. Ngoài ra, Văn kiện Đại hội Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng xác định nhiệm vụ phải đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ cho các cơ quan nhà nước tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp kết nối liên thông các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn; hoàn thành xây dựng và vận hành hệ thống liên thông kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý…Đây là những chỉ đạo rất quan trọng, phải khẩn trương mới hoàn thành được các mục tiêu vì quản lý, quản trị xã hội trên nền tảng đó phải rất cải cách.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân theo Đề án 06 của Chính phủ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực khi cắt giảm thủ tục hồ sơ, giảm chi phí thủ tục hành chính. Việc hướng tới là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, góp phần vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, mọi người phải có giấy tờ, không ai không có giấy tờ pháp lý điện tử. “Đối với trẻ em, chúng tôi đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã cung cấp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho chính quyền cấp xã về dữ liệu trẻ em ở địa phương đó để tính toán cơ sở giáo dục đào tạo; có cụ thể bao nhiêu trẻ em sinh sống trên địa bàn; cháu nào có hộ khẩu thường trú, tạm trú hay không có hộ khẩu. Việc này đã phục vụ rất tốt cho các kỳ thi vào lớp 10, thi đại học, được chính quyền và nhân dân đánh giá cao” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại phiên họp.


Về việc trẻ em dưới 14 tuổi có được giao dịch qua môi trường mạng hay không, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đã là Chính phủ điện tử thì các cháu phải được giao dịch điện tử; trẻ em sinh ra được cấp hộ chiếu ngay. Tuy nhiên, ngoài hộ chiếu và giấy khai sinh thì các cháu không có giấy tờ giao dịch gì khác, thực tế xảy ra bất cập vì giấy khai sinh không chứng minh được người được khai sinh và người sử dụng. Chính vì vậy, việc bổ sung đối tượng được cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi là bảo đảm tính khả thi, đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý nhà nước, để trẻ em dưới 14 tuổi cũng phải được giao dịch trong môi trường điện tử để tránh bất cập.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, CCCD của chúng ta hiện nay là 1 trong những cái hiện đại trên thế giới, chúng ta đang phấn đấu trong ASEAN sẽ thống nhất các loại giấy tờ. Ý tưởng này Singapore và Malaisia là những nước đi đầu. Trên thực tế, việc đi lại trong cộng đồng Châu Âu không cần visa, tiến tới ASEAN cũng thống nhất như vậy thì công dân Việt Nam có thể đi lại trong ASEAN bằng CCCD.

“Đây là những vấn đề hội nhập nên các công dân phải có quyền được hội nhập quốc tế. Mục tiêu 100% công dân giao dịch được trên môi trường điện tử. Đứng về mặt kinh tế, xã hội cũng rất thuận lợi khi có giấy tờ như vậy. Thực tế hiện nay, có gần 3 triệu người chưa làm CCCD vì họ không có nhu cầu, ốm đau…, nhưng về quản trị xã hội là rất cần thiết nên lực lượng Công an quyết tâm làm, mục tiêu 100% công dân phải có CCCD. Nếu hoàn thiện được thì các công tác đều rất thuận lợi, kể cả những việc như tìm trẻ lạc, hay người bị tai nạn đều dễ dàng” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Lê Hòa - Phương Thủy
Tìm kiếm