Nâng cao nhận thức, hành động và tăng cường nguồn lực đối với truyền thông chính sách

24/11/2022
Chiều 24/11/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác truyền thông chính sách với chủ đề "Nhận thức - Hành động - Nguồn lực".

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ đến trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số cơ quan báo chí truyền thông; lãnh đạo các tỉnh, thành phố Trung ương. Về phía Bộ Công an có Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu tham luận tại Hội nghị.
 

Toàn cảnh Hội nghị.


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước, trong đó có truyền thông của Chính phủ, có vai trò hết sức quan trọng.

Hiện nay, chúng ta đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa mà xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển. Và phát huy tối đa yếu tố con người, bao gồm yếu tố năng lực, trí tuệ, đạo đức, phẩm chất con người Việt Nam.

Từ đó, truyền thông chính sách phải tập trung vào người dân, mọi chính sách đều hướng đến người dân làm sao bảo đảm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước không có mục tiêu nào ngoài mục tiêu làm cho nhân dân sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta xây dựng chính sách phải hướng đến người dân. Và người dân phải tham gia vào xây dựng chính sách pháp luật. Người dân cũng phải tham gia tổ chức thực hiện chính sách pháp luật với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ.  

Công tác truyền thông phải đến được với người dân. Hội nghị hôm nay có mục tiêu là làm tốt hơn công tác truyền thông chính sách để người dân hiểu được chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; người dân tự giác tham gia tổ chức thực hiện cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước; "người dân phản hồi lại các chính sách nào được, chưa được, chính sách nào cần bổ sung, hoàn thiện".
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu thêm, Chính phủ đã và đang làm công tác truyền thông chính sách. Hội nghị hôm nay được tổ chức nhằm đánh giá lại công việc đã làm, cái gì được, chưa được, nguyên nhân vì sao, trên cơ sở đó có xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Bám sát mục đích, yêu cầu của Hội nghị, tại Hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành đã tập trung tham luận về nhiều vấn đề trọng tâm như: Truyền thông chính sách lấy người dân là trọng tâm của phát triển; truyền thông chính sách theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an; tổ chức bộ máy, vị trí, việc làm, định mức biên chế, công chức, viên chức làm công tác truyền thông chính sách; bố trí kinh phí cho tổ chức hoạt động của truyền thông chính sách; vai trò, trác nhiệm và định hướng truyền thông chính sách trong lĩnh tiền tệ - ngân hàng; thực trạng, giải pháp về công tác truyền thông chính sách trong lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; vai trò, sức mệnh của công tác báo chí trong truyền thông chính sách; kinh nghiệm truyền thông chính sách của một số địa phương...

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh truyền thông chính sách, pháp luật không những nhằm bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của người dân trong tham gia xây dựng pháp luật theo nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" mà còn có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm củng cố, xây dựng niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước về mỗi chủ trương, chính sách mới được ban hành.

Những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương làm tốt công tác truyền thông, công tác tuyên truyền từ trước, trong và sau khi ban hành chính sách, pháp luật về an ninh trật tự; góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và đối ngoại của đất nước. 

Trong đó chú trọng khảo sát, đánh giá cơ sở khoa học và thực tiễn, xác định mục tiêu, nguồn lực, tác động, lợi ích xã hội đối với chủ trương chính sách mới. Các chính sách về an ninh trật tự có tác động lớn tới xã hội đều được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, tạo được sự đồng tình ủng hộ của tổ chức, cá nhân và đại biểu Quốc hội; góp phần đưa chính sách, pháp luật vào thực tiễn công tác bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm. 

Bộ Công an tập trung xây dựng nguồn lực truyền thông, xây dựng các cơ quan truyền thông, báo chí trong Công an nhân (CAND) dân theo xu hướng truyền thông hiện đại, đa phương tiện, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, tăng cường tương tác đến với người dân.

Cụ thể, Bộ Công an đã thành lập Cục Truyền thông CAND có nhiệm vụ quản lý, tổ chức hiệu quả các hoạt động truyền thông CAND từ Bộ tới địa phương; xây dựng và triển khai "Đề án quy hoạch báo chí trong CAND" theo định hướng "Sắp xếp báo in theo đúng quy hoạch của Chính phủ; nâng cao chất lượng báo hình; đầu tư phát triển báo điện tử CAND". 

Trong đó xây dựng Truyền hình CAND là một trong 7 kênh truyền hình thiết yếu quốc gia, Báo CAND là một trong 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện; là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an về bảo đảm an ninh trật tự. 
 

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tham luận tại Hội nghị.



Đồng thời, thiết lập và duy trì các kênh thông tin phát ngôn chính thống trong CAND, xây dựng gần 100 Cổng/trang Thông tin điện tử; hơn 4.500 fanpage, tài khoản mạng xã hội...; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực, nghiệp vụ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. 

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh, thời gian tới, công tác bảo đảm an ninh trật tự và truyền thông chính sách về an ninh trật tự có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức mới; nguy cơ sử dụng về công nghệ thông tin để "xâm lấn", "can thiệp", "lấn át" thông tin chính thống; xuất hiện ngày càng nhiều tin giả, tin xấu độc, làm lũng đoạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong xã hội, gây khó khăn cho công tác định hướng dư luận, hạn chế khả năng gạn lọc thông tin chính thống trong truyền thông chính sách, cũng như thách thức lớn hơn về công tác bảo mật thông tin, quản trị dữ liệu, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin.

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề xuất một số giải pháp trọng tâm như: Tăng cường công tác nhận thức nâng cao vị trí vai trò và tầm quan trọng của công tác truyền thông nói chung và truyền thông chính sách nói riêng đối với cán bộ chiến sĩ Công an. Đổi mới phát triển về hệ thống truyền thông chính sách. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống truyền thông chính sách trong CAND. Tập trung xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng về năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí, truyền thông trong CAND. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí trong việc chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin, tổ chức truyền thông.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại công tác truyền thông chính sách có vai trò rất quan trọng, là một trong những chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Chính phủ và các địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

"Các đồng chí thống nhất cao về mục tiêu hội nghị là chúng ta làm sao mọi chính sách phải đến được với người dân với tinh thần lấy dân làm gốc, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", Thủ tướng nói. Truyền thông chính sách góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, góp phần thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng cho rằng, làm tốt công tác truyền thông chính sách sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong xây dựng, thực hiện các chính sách. Truyền thông chính sách tốt là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách. Điều này sẽ gia tăng hiệu quả, hiệu lực của chính sách. Trên thực tế, một số chủ trương chính sách đúng đắn, nếu làm truyền thông không tốt thì không tạo đồng thuận cao trong xã hội. Công tác truyền thông chính sách cần được tiến hành khoa học, bài bản. "Làm truyền thông giỏi phải dựa trên khoa học, có tính nghệ thuật, linh hoạt, sáng tạo, chủ động".

Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, nặng nề, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển mới, chúng ta vừa phải xử lý các tồn đọng kéo dài nhiều năm, phải ứng phó phù hợp hiệu quả với những vấn đề mới phát sinh. Công tác truyền thông phải làm rõ vấn đề này, để người dân chia sẻ với Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp trước những khó khăn, thách thức mà chúng ta phải vượt qua, Thủ tướng nêu yêu cầu.

Chỉ ra nguyên nhân của bất cập, Thủ tướng cho rằng, cấp uỷ, chính quyền, nhất là người đứng đầu một số cơ quan, bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm, chưa có nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của truyền thông chính sách. Đầu tư cho cơ sở vật chất, nhân lực chưa xứng tầm với công tác này. Việc đánh giá, sơ kết, tổng kết chưa thực sự được coi trọng, nên có những mặt làm tốt chưa được nhận rộng, khắc phục hạn chế yếu kém còn chậm so với yêu cầu.

Thủ tướng nhấn mạnh: Truyền thông chính sách là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính, cơ quan báo chí trong việc xây dựng, phổ biến, tổ chức thực hiện và đánh giá tác động để mọi chính sách đến với nhân dân. Phải làm truyền thông cả trước, trong và sau ban hành chính sách. Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách. Phải quán triệt Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.

Thúc đẩy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành, tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật, xây dựng lối sống và làm việc theo pháp luật; đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền được thông tin về pháp luật của công dân. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy vai trò tích cực của các cơ quan báo chí, truyền thông trong thực hiện truyền thông chính sách… Gắn công tác truyền thông chính sách với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch. Khuyến khích sáng tạo, đổi mới nội dung và hình thức truyền thông chính sách, làm sao truyền tải thông tin đơn giản, dễ hiểu, dễ nghe, dễ nghe, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá, dễ đi vào lòng dân, từ đó, người dân tự giác thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu, phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, vị trí của công tác truyền thông chính sách, "từ nhận thức thì phải hành động, hành động thì phải nỗ lực, quyết liệt". Phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách, sát với tình hình thực tiễn, với điều kiện, khả năng, bối cảnh của đất nước. Cần chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông chính sách. Không nên chỉ coi truyền thông chính sách là công việc của các cơ quan báo chí, truyền thông. Cần đẩy mạnh truyền thông chính sách trên các phương thức truyền thông mới, để giúp Chính phủ xây dựng thành công chính sách, tiếp tục hoàn thiện chính sách, đánh giá chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách theo nhiều chiều, khía cạnh khác nhau.
 

Quang Minh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website