Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững

15/11/2023
Lượt xem: 2026
Sáng 15/11/2023, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững theo hình thức trực tiếp tại trụ sở Chính phủ và kết nối trực tuyến tới trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lao động, Thương binh và Xã hội; Thông tin và Truyền thông; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Hội nghị còn có sự tham dự của đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các chuyên gia kinh tế, du lịch; đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp lớn ngành du lịch và hàng không.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị. 


Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017); triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch (Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023); hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa, du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện "liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện". 

Với tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Hội nghị trao đổi, thảo luận để tìm được lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn; tìm ra những câu trả lời cho một số vấn đề trọng tâm để ngành du lịch Việt Nam phát triển nhanh và bền vững: Một là, nhận diện thời cơ và thách thức của Du lịch Việt Nam. Hai là, chia sẻ kinh nghiệm thành công của Việt Nam, của các nước trên thế giới, những cách làm hay, bài học quý. Ba là, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, chuyên gia và từng bộ, ngành, địa phương cùng nhau trao đổi, đề xuất giải pháp đột phá, cụ thể, khả thi để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững... 

Tham gia phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Chúng tôi xác định du lịch là ngành kinh tế mang tính đặc thù, tổng hợp và tính liên ngành, liên lĩnh vực. Lĩnh vực này cũng tương đối nhạy cảm đối với các yếu tố liên quan đến an ninh chính trị, cạnh tranh chiến lược, hoặc liên quan đến kinh tế, văn hóa và đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Bộ Công an nhận thức được nhiệm vụ này và chúng tôi đổi mới toàn diện tư duy, nhận thức và hành động để làm sao phát triển du lịch thực chất, bền vững, gắn với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Sau khi Luật Xuất nhập cảnh được Quốc hội ủng hộ thông qua, hiện nay, Bộ Công an đã triển khai chính sách visa, dịch vụ công cấp độ 3, 4 trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Tại các cửa khẩu, cảng hàng không, chúng tôi đều lắp và sử dụng cửa tự động rất thuận lợi cho khách du lịch xuất, nhập cảnh vào Việt Nam và được nhiều đại biểu đánh giá thủ tục thuận lợi, nhanh chóng. Từ khi Luật Xuất nhập cảnh có hiệu lực ngày 15/8, có khoảng 5,6 triệu lượt người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam; so với năm 2022, tăng 1,8 lần. Về mục đích nhập cảnh, trong số người nước ngoài nhập cảnh, 85% lượt nhập cảnh với mục đích du lịch, 15% là với mục đích khác như đầu tư, làm việc, thăm thân, du học… Về các loại giấy tờ nhập cảnh, 25% nhập cảnh bằng thị thực điện tử, 25% nhập cảnh bằng thị thực và các loại giấy tờ thay thế mới, tức là ngoài thị thực điện tử thì vẫn có giấy tờ khác như thẻ tạm trú, thẻ APEC, hoặc giấy miễn thị thực đơn phương. Về quốc tịch, Hàn Quốc lớn nhất chiếm 27%, Trung Quốc chiếm 20%, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 7%, Nhật Bản 6%, Hoa Kỳ 5%.

Thứ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại Hội nghị.


Riêng đối với đơn phương miễn thị thực, từ khi thực hiện Luật Xuất nhập cảnh, có 1.259.712 lượt tính đến tối ngày 14/11 nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực, tức là so với năm ngoái cao hơn 1,6 lần. Trong đó, cao nhất là Hàn Quốc 886.671 lượt, Nhật Bản 151.529 lượt, sau đó là Vương quốc Anh, Pháp, Nga. Số người thuộc diện đơn phương miễn thị thực nhưng vẫn lựa chọn thị thực điện tử (vì thị thực điện tử trong vòng 3 ngày làm việc là chúng tôi trả lời được hay không được). Qua thống kê, từ khi Luật Xuất nhập cảnh có hiệu lực, khoảng 26.000 lượt người ở các nước đơn phương miễn thị thực vẫn lựa chọn thị thực điện tử để đi vào Việt Nam.

Về khai thị thực điện tử, mỗi ngày, Bộ Công an trung bình trả lời hơn 7.000 thị thực điện tử. Đó là những trường hợp đủ điều kiện và xu hướng sử dụng thị thực điện tử chiếm tỉ lệ ngày càng cao.

Ba tháng vừa qua, so với cùng kỳ năm 2019 thời điểm trước dịch, khách quốc tế giảm 4%. Khách quốc tế diện đơn phương miễn thị thực giảm 15% so với trước dịch. Trung bình 1 khách nước ngoài lưu trú ở Việt Nam 7,7 ngày nhưng diện đơn phương miễn thị thực chỉ lưu trú trong vòng 3,8 ngày. Thủ tướng đã chỉ đạo, sắp tới chúng ta sẽ phân tích khách nào thường xuyên quay lại, quay lại cư trú ở địa điểm nào để có những phân tích quản lý lưu trú, phục vụ du lịch.

Qua những điều này cho thấy chính sách về thị thực, xuất nhập cảnh hết sức đồng bộ và thông thoáng. Do vậy, chính sách thị thực chưa phải là vướng mắc chính mà theo chúng tôi cần phải có sản phẩm du lịch, truyền thông du lịch và các yếu tố thúc đẩy du lịch khác. Từ đó xin kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và các văn bản liên quan để làm sao quy định cụ thể, chi tiết, thống nhất về khái niệm, bản chất, các hình thức, mục đích sử dụng bất động sản du lịch.

Chính phủ nghiên cứu sửa đổi bổ sung Nghị định 34 về quy chế quản lý khu vực biên giới đất liền theo hướng miễn cấp giấy phép đi vào khu vực đất liền đối với người nước ngoài khi vào tham quan tại khu du lịch thuộc khu vực biên giới. Chúng ta đang làm thí điểm ở các tỉnh giáp biên với Trung Quốc. Nếu có chính sách này sẽ tạo điều kiện thông thoáng hơn…

 

baochinhphu.vn
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website