"Cần, kiệm, liêm, chính" là chuẩn mực đạo đức, là tiền đề để xây dựng hình ảnh người giáo viên Học viện Cảnh sát nhân dân

03/03/2023
Lượt xem: 14794
Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ nêu Sáu điều dạy Công an nhân dân (CAND) (11/3/1948 - 11/3/2023). Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân có bài viết "Cần, kiệm, liêm, chính" là chuẩn mực đạo đức, là tiền đề để xây dựng hình ảnh người giáo viên Học viện Cảnh sát nhân dân". Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an giới thiệu bài viết của đồng chí Giám đốc Học viện CSND.
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng kiệt xuất, nhà văn hóa lớn với phong cách đạo đức trong sáng và tư tưởng nhân văn cao cả. Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ đấu tranh không biết mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, cả cuộc đời Người đã đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và đã để lại cho đời những tư tưởng quý báu. Tư tưởng của Hồ Chí Minh, trí tuệ, đạo đức, lối sống của Người tiếp tục là tấm gương sáng cho mỗi người Việt Nam. Trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng CAND luôn là sự quan tâm đặc biệt đối với Người. Vì thế, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng Người đã để lại cho lực lượng CAND nhiều di huấn quý báu, trở thành di sản tinh thần thiêng liêng, là nền tảng lý luận, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của lực lượng CAND, góp phần quan trọng làm nên những chiến công to lớn, thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
 
Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân.
Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân.
 
Xuất phát từ vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng CAND đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, tháng 3/1948 trong bức thư gửi đồng chí Hoàng Mai - Giám đốc Công an khu XII, Người đã chỉ rõ “Tư cách người Công an cách mệnh” là:
 
Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính
Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ
Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành
Đối với Nhân dân, phải kính trọng lễ phép
Đối với công việc, phải tận tụy
Đối với địch, phải cương quyết khôn khéo”.
 
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ vẻ vang song hết sức khó khăn phức tạp mà Đảng, Nhà nước giao phó cho ngành Công an, từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định những yêu cầu đòi hỏi về phẩm chất chính trị, chuẩn mực đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ đối với người Công an cách mạng. Tất cả những yếu tố đó kết thành “Tư cách người Công an cách mệnh”. Sáu điều Bác Hồ dạy về tư cách người Công an cách mạng, gói gọn trong 51 chữ song nếu thấm nhuần lời dạy của Bác sẽ làm toát lên nhân cách người chiến sĩ CAND với tất cả vẻ đẹp chân, thiện, mỹ. Sáu điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy về tư cách người Công an cách mạng có nội dung vô cùng sâu sắc, phong phú với đầy đủ ý nghĩa cách mạng và khoa học, thể hiện đầy đủ bản chất của CAND. Tư cách người Công an cách mạng không chỉ biểu hiện ở cách ăn ở, cư xử, phẩm chất đạo đức mà bao hàm cả nhân cách, tài năng với những phẩm chất chính trị đặc biệt. Đây là điều kiện cần thiết để người Công an cách mạng hoàn thành nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang mà Đảng và Nhân dân giao phó. Tư cách người Công an cách mạng là tổng thể hợp thành bao gồm 6 mối quan hệ cơ bản. Trong đó mối quan hệ với mình được Bác Hồ đưa lên hàng đầu.
 
“Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính”.
 
Cuộc đời Hồ Chí Minh chính là một tấm gương mẫu mực tuyệt vời về rèn luyện đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính” để chúng ta noi theo. Suốt đời Bác, dù là lúc khó khăn gian khổ hay khi giữ những trọng trách lớn nhất của Đảng, Nhà nước, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính luôn luôn được Người thực hiện một cách mẫu mực, gắn chặt với sự nghiệp phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính” của Người trọn vẹn, hoàn hảo đến tận lúc phải từ biệt thế giới này, Bác cũng “không có điều gì phải hối hận” (Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Người đã nhiều lần dạy Công an chúng ta phải cần, kiệm, liêm, chính. Lời dạy của Người giản dị, súc tích, dễ hiểu và mọi cán bộ, chiến sĩ CAND Việt Nam đều có thể thực hiện được.
 
Học viện Cảnh sát nhân dân.
 
CAND Việt Nam là lực lượng vũ trang cách mạng có vai trò tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và bảo vệ Tổ quốc. Nhân cách cao đẹp của mỗi cán bộ, chiến sĩ sẽ tạo nên một sức mạnh vô địch của toàn lực lượng. Vì vậy, việc rèn luyện phẩm chất cách mạng, trau dồi đức “cần, kiệm, liêm, chính” là trách nhiệm và mục tiêu phấn đấu của tất cả các cán bộ, chiến sĩ CAND. Để học tập theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên tinh thần Sáu điều Bác Hồ dạy, cán bộ, chiến sĩ CAND cần nhận thức về cần, kiệm, liêm, chính một cách cụ thể hóa. Người Công an cách mạng trước hết phải tự đối mặt với chính mình, phải tự chống lại những thói hư tật xấu trong mình, khắc phục chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ - một kẻ thù nguy hiểm của người cách mạng. Người Công an cách mạng trước hết phải là người cách mạng gương mẫu, thực hành lối sống cần, kiệm, liêm, chính. Đó vừa là yêu cầu của cách mạng cũng vừa là lương tâm, lẽ sống của người Công an cách mạng. Bác Hồ luôn nhắc nhở: “không thực hành lối sống cần, kiệm, liêm, chính là có tội với Tổ quốc, có tội với đồng bào, thiếu một trong số đức tính ấy thì không phải là người cách mạng”.
 
Chữ “Cần” được hiểu là siêng năng, cần cù, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng; là năng suất trong bất kỳ công tác nào. “Cần” còn là làm việc một cách thông minh, sáng tạo, có kế hoạch, khoa học. Trong công tác chiến đấu của lực lượng CAND, chữ “cần” đóng vai trò vô cùng to lớn. Chữ “Cần” trong lời dạy của Bác là bản chất siêng năng cần mẫn trong mỗi người cán bộ, chiến sĩ CAND, chứ không phải chữ “cần” bộc phát, nhất thời. Đối với lực lượng CAND trong lao động cũng như công tác chiến đấu, mỗi người đều có vị trí riêng thuộc hệ thống tổ chức, lĩnh vực nghiệp vụ, chiến đấu cụ thể; chính vì vậy từng người hoàn thành chức trách của mình cũng có ý nghĩa là tạo điều kiện để tập thể hoàn thành nhiệm vụ được phân công. 
 
Chữ “Kiệm” ở đây là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. Đây là nguyên lý, phương châm đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải thấu hiểu và thực hành thường xuyên trong cuộc sống và công tác. Trong quá trình lao động, làm bất cứ việc gì cũng đều phải phối hợp các yếu tố lao động sản xuất với nhau, có kế hoạch cụ thể sao cho không thừa, không thiếu lại đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Do đó vấn đề tiết kiệm được đặt ra như một yếu tố kinh tế xã hội. Tiết kiệm ở đây trước hết là thời gian. Bác thường nói: “Thời giờ là vàng ngọc”. Trong cuộc sống không phải cái gì cũng có sẵn cho ta sử dụng. Và dẫu có thì cũng không phải là vô tận. Trong công tác và chiến đấu, nếu mỗi cán bộ, chiến sĩ biết tận dụng và tiết kiệm thời gian thì sẽ có thêm thời gian cho những công việc mới, cơ hội mới để tạo nên những giá trị mới. Chính vì vậy, bản thân mỗi cán bộ, chiến sĩ CAND phải biết tận dụng mọi khoảng thời gian để giải quyết công việc, lập kế hoạch và xác định rõ mục tiêu và cách thức hoạt động cụ thể, đồng thời phân bổ thời gian hợp lý cho mọi hoạt động trong công việc và cuộc sống, sao cho “một giờ làm xong công việc của 2-3 giờ, một người làm xong công việc của 2-3 người”. Thứ hai là phải biết tiết kiệm của cải, vật chất hay nói cách khác phải biết sử dụng của cải, vật chất, vật liệu, vốn, trang thiết bị đạt hiệu quả kinh tế cao nhất trong hoạt động sản xuất mà hao phí ít nhất.. Tiết kiệm để nhằm giúp cho chúng ta hoàn thành nhiệm vụ trong công tác, chiến đấu chống tội phạm, đồng thời cũng là điều kiện quan trọng để thực hiện liêm, chính.
 
Nhưng trong cuộc sống, “Cần” với “Kiệm” phải luôn đi đôi với nhau như một thể thống nhất. Nếu có “Cần” mà không có “Kiệm” thì làm được chừng nào xào đồng đấy. Cũng giống như một cái thùng không đáy, có đổ nước vào chừng nào thì cũng ra hết chừng ấy, có gắng đổ bao nhiêu thì mãi vẫn chỉ là một cái thùng trống rỗng. Nếu chỉ biết “Kiệm” mà không “Cần” thì lại không tăng thêm, không phát triển được, mãi cũng chỉ dậm chân tại chỗ, không vươn xa và đạt được những thứ cao hơn, tiến bộ hơn. Vì vốn dĩ một cái thùng chỉ đựng một ít nước, mãi không chịu đổ thêm nước vào thì một thời gian sau nước trong bình chắc chắn sẽ hao đi, dần theo thời gian thì nó cũng sẽ là cái thùng trống rỗng. Chính vì vậy, “Cần” và “Kiệm” luôn luôn phải song hành với nhau nhưng song hành làm sao cho hợp lý thì mới là vấn đề quan trọng. Vì vậy, trong công tác của CAND, để việc tiết kiệm được thực hiện tốt thì mỗi cán bộ, chiến sĩ phải làm việc có tổ chức, có trách nhiệm; dù là việc to hay việc nhỏ đều phải có kế hoạch cụ thể, đó cũng là một phẩm chất đạo đức cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng yêu nước.
 
Chữ “Liêm”, Bác định nghĩa: “Liêm là không tham ô, luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của nhân dân”. Ngày xưa, dưới chế độ phong kiến, những người lam quan không đục khoét dân, thì gọi là Liêm, chữ Liêm ấy chỉ có nghĩa hẹp. Ngày nay, đối với cán bộ, chiến sĩ CAND, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn là mọi người đều phải Liêm. Cũng như “trung” là trung với Tổ quốc, “hiếu” là hiếu với nhân dân; ta thương cha mẹ ta, mà còn phải thương cha mẹ người, phải cho mọi người đều biết thương cha mẹ.
 
Chữ Liêm phải đi đôi với chữ Kiệm, cũng như chữ Kiệm phải đi đôi với chữ Cần. Có Kiệm mới Liêm được, vì nếu sống xa xỉ, phung phí thì sẽ sinh tham lam, ích kỷ. Mạnh Tử nói: “Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm. Mỗi người cán bộ, chiến sĩ CAND phải luôn sống chiến đấu và làm việc một cách ngay thẳng, chính trực. Không cậy quyền cậy thế đục khoét của dân, ăn đút lót hoặc trộm của công làm tư. Liêm phải được thể hiện bằng hành động cụ thể, gắn với chức năng, nhiệm vụ công tác, với công việc hàng ngày; không tham nhũng tiêu cực, xa hoa lãng phí; tuân thủ đúng các quy trình, quy định, quy chế đã ban hành và những những quy định pháp luật Nhà nước, điều lệnh của Ngành, nhằm phục vụ lợi ích của Đảng, của nhân dân, của Ngành được nhiều nhất, tốt nhất. 
 
Cần, kiệm, liêm là gốc rễ của Chính. Một cây cần có gốc rễ, cành, lá, hoa quả thì mới là hoàn toàn. Cũng giống như con người, một người phải cần, kiệm, liêm nhưng còn phải Chính thì mới là người hoàn thiện. Bác đã chỉ ra: “Chính có nghĩa là không tà, thẳng thắn”. Khái niệm trên của Bác là cơ sở để xem xét một con người chân chính hay phi nghĩa, mọi hiện tượng phi lý hay chân lý đều thể hiện ở quan điểm, lập trường, thái độ, hành vi.
 

Thượng úy, Th.s Nguyễn Thu Hương - giảng viên Khoa Luật trong một giờ lên lớp môn Luật Hình sự bằng tiếng Anh. 

 

“Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính” là hạt nhân cơ bản xuyên suốt trong 6 điều Bác Hồ dạy CAND trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính là cơ hội, giải pháp phòng chống, đẩy lùi suy thoái trong lực lượng CAND. Đặc biệt, cần, kiệm, liêm, chính cũng là chuẩn mực đạo đức, là tiền đề để xây dựng hình ảnh người giáo viên Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) hiện nay. 
 
2. Lịch sử 55 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện CSND đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Hiện nay, Học viện CSND đã có hơn 1.300 giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có 03 Giáo sư, 38 Phó Giáo sư, gần 200 Tiến sĩ , 500 Thạc sĩ , 170 giảng viên chính, 21 đồng chí vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú qua các thời kỳ. Với đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao đứng đầu trong các học viện, trường CAND, Học viện là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn, uy tín với quy mô đào tạo trên 1,3 vạn lượt học viên các khoá học, hệ học. Tính đến nay, Học viện đã và đang đào tạo 48 khoá đại học chính quy, 31 khoá đào tạo thạc sĩ và 27 khoá đào tạo tiến sĩ và nhiều hệ học khác, qua đó góp phần bổ sung nguồn nhân lực quan trọng cho lực lượng CAND, Quân đội nhân dân và các ngành nội chính… Với những nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, giáo viên, học viên, Học viện CSND vinh dự lần thứ tư liên tiếp được tặng Cờ thi đua của Chính phủ, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba…
 
Với vai trò là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của ngành, “địa chỉ đỏ” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lực lượng Công an, Học viện CSND xác định phải “tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi”. Chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng; chuẩn hoá đội ngũ cán bộ giảng viên về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tác phong, lối sống và trình độ chuyên môn nghiệp vụ; đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng nâng cao năng lực sáng tạo và năng lực tự học của người học, gắn lý luận với thực tiễn. Tăng cường giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị tư tưởng góp phần nhân cách người cán bộ CAND cách mạng theo Sáu điều Bác Hồ dạy CAND; đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở giáo dục đào tạo trong và ngoài ngành; khai thác có hiệu quả tri thức, kinh nghiệm, phương tiện, thiết bị phục vụ cho phát triển giáo dục đào tạo trong CAND nói chung và Học viện CSND nói riêng. Do đó, yêu cầu chuẩn hóa đội ngũ giảng viên theo các tiêu chuẩn nhất định, nhất là về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trình độ chuyên môn là nhiệm vụ quan trọng cấp bách.
 
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, lực lượng CAND nói chung và đội ngũ giảng viên Học viện CSND nói riêng  cần tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy CAND về “Tư cách người Công an cách mạng” góp phần giáo dục đạo đức nghề nghiệp người Cảnh sát nhân dân trong tình hình mới. Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, xác định đó là những chuẩn mực đạo đức, là tiền đề để xây dựng hình ảnh người giáo viên Học viện CSND, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt những nội dung sau đây:
 
Một là, cán bộ, giảng viên Học viện CSND cần nhận thức sâu sắc giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh và giá trị của Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. Xác định phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính” là chuẩn mực đạo đức quan trọng. Việc xây dựng hình ảnh người giáo viên Học viện CSND là nhiệm vụ chính trị quan trọng, lâu dài của Học viện CSND.
 
Hai là, mỗi cán bộ, giảng viên Cảnh sát nhân dân cần phải thường xuyên trau dồi, tự giáo dục, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức, thực hiện cần kiệm liêm chính trong công tác và trong cuộc sống; chủ động phòng ngừa, khắc phục sự xuống cấp về đạo đức, lối sống; kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, tư tưởng trung bình chủ nghĩa, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
 
Ba là, Đảng ủy Học viện CSND tiến hành đồng bộ các biện pháp, đổi mới công tác tổ chức, cán bộ xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong nghề nghiệp góp phần xây dựng hình ảnh người giáo viên Học viện CSND.
 
Bốn là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Sáu điều Bác Hồ dạy CAND” gắn với cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”.
 
Đoàn cán bộ, giảng viên Học viện Cảnh sát Nhân dân tham quan học tập tại Khu Di tích K9.
 
Sáu điều Bác Hồ dạy CAND hàm chứa những giá trị tư tưởng, đạo đức nhân văn cao quý, thể hiện sự nhất quán giữa lời nói và việc làm, giữa giáo dục đạo đức và tự mình nêu gương thực hành đạo đức, mãi mãi là di sản tinh thần vô giá để xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin cậy giao phó. Trong giai đoạn hiện nay, những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị đối với việc xây dựng hình ảnh người giáo viên Học viện CSND. Thấm nhuần sáu lời dạy của Bác có ý nghĩa hết sức lớn lao trong việc xây dựng lực lượng CAND ngày càng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, là chuẩn mực để mỗi cán bộ, giảng viên Học viện CSND phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
 
Với 75 năm lực lượng CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, “Tư cách người công an cách mệnh” đã và đang giữ vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần quan trọng vào chất lượng, hiệu quả công tác Công an, nhất là trong xây dựng lực lượng thật sự trong sạch, vững mạnh. Đồng thời góp phần xây dựng, củng cố và khẳng định bản chất chính trị của CAND Việt Nam./.
 

Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6.
3. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2021
4. GS.TS Tô Lâm: CAND Việt Nam với tác phẩm Tư cách người Công an cách mệnh của Hồ Chí Minh

 

 

Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website