Tại Hội nghị, hai Bên tập trung đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả hợp tác giữa Văn phòng INTERPOL hai nước trong thời gian qua, từ đó có những sáng kiến thiết thực nhằm xây dựng cơ chế hợp tác hiệu quả hơn trong trao đổi, xử lý thông tin tội phạm, phối hợp điều tra các vụ án, vụ việc, truy bắt đối tượng truy nã, thúc đẩy hợp tác đào tạo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm…, góp phần bảo vệ an ninh, an toàn ở mỗi nước và khu vực ASEAN.
|
Các đại biểu tham dự Hội nghị INTERPOL song phương Việt Nam - Singapore lần thứ 10 |
Một trong những nội dung được hai Đoàn đại biểu đặc biệt quan tâm là vấn đề kết nối, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu của INTERPOL I-24/7 một cách hiệu quả và an toàn, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mãnh mẽ, quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như một nhu cầu khách quan, tất yếu.
Việc thúc đẩy thông tin hai chiều, một mặt mở rộng cơ sở dữ liệu của INTERPOL đến các cơ quan, đơn vị trong nước để sử dụng và khai thác một cách hiệu quả, mặt khác đóng góp các thông tin, dữ liệu về tội phạm lên cơ sở dữ liệu chung của INTERPOL, không chỉ thể hiện trách nhiệm thành viên mà còn giúp lực lượng Cảnh sát mỗi nước kịp thời phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý tội phạm.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế. Những kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội nghị lần này là cơ sở quan trọng để lực lượng Cảnh sát hai nước tiếp tục nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự nói chung, vụ án kinh tế nói riêng.
|
Đoàn đại biểu Việt Nam chụp ảnh cùng Chánh Văn phòng và Phó Chánh Văn phòng INTERPOL Singapore |
Trong khuôn khổ Hội nghị, Đoàn đại biểu Bộ Công an Việt Nam cũng có chuyến thăm và làm việc với Tổ hợp toàn cầu của INTERPOL tại Singapore và Trung tâm phòng, chống tội phạm lừa đảo trực tuyến của Cảnh sát Singapore để trao đổi về tình hình và kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Đây là loại tội phạm có tính chất xuyên quốc gia, có phương thức thủ đoạn tinh vi và không ngừng biến đổi, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng Cảnh sát hai nước không chỉ trong công tác nghiệp vụ mà còn trong đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.