An toàn phòng cháy, chữa cháy - Trách nhiệm chung của cộng đồng

04/10/2022
Lượt xem: 1906
Theo số liệu thống kê, chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 119 vụ hỏa hoạn, làm 03 người chết, 01 người bị thương, thiệt hại ước tính gần 92 tỷ đồng. Có nhiều nguyên nhân xảy ra cháy nhưng phần lớn là do ý thức chủ quan, lơ là, bất cẩn của một bộ phận người dân trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn điện, trong đó có gần 60% vụ cháy xảy ra là do sự cố thiết bị điện…

Thực tế dễ nhận thấy đó là, hằng năm mặc dù lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) Công an từ tỉnh đến cơ sở đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền cảnh báo về các nguy cơ có thể xảy ra cháy, nổ, đồng thời khuyến cáo, nhắc nhở, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức và công dân các biện pháp PCCC, thế nhưng, ý thức chủ quan về phòng cháy của người dân vẫn rất chủ quan. Việc trang bị phương tiện PCCC như: bình chữa cháy, lắp đặt thiết bị báo cháy, báo khói, báo hở gas… trong nhiều gia đình, kể cả nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh cũng chưa được chú trọng và quan tâm đúng mức.
 


Truyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC cho chủ cơ sở kinh doanh.


Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 365 chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đã đi vào hoạt động. Đây là nơi tập trung nhiều loại hàng hoá, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Mặc dù vậy công tác bảo đảm an toàn PCCC trên lĩnh vực này không phải lúc nào cũng được quan tâm. Nhiều cơ sở do chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà bất chấp những nguy hiểm tiềm ẩn về cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Hằng năm, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở xây dựng các mô hình tự quản về PCCC; ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC và tổ chức thực tập các phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở. Thông qua đó đã góp nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng các phương tiện PCCC, cũng như khả năng hiệp đồng tác chiến, chỉ huy, điều hành của cấp uỷ, chính quyền và lực lượng PCCC cơ sở.

Trung tá Lê Đình Lợi, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết: Để thực hiện có hiệu quả công tác PCCC và CNCH, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC đã chủ động tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh và Ủy ban nhân dân các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và người dân chấp hành nghiêm túc các quy định về PCCC và CNCH. Tăng cường công tác PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Làm tốt công tác kiểm tra, hướng dẫn điều kiện PCCC đối với các cơ sở thuộc diện quản lý PCCC trong đó tập trung các địa bàn, cơ sở trọng điểm như Khu công nghiệp, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh xăng dầu khí đốt hoá lỏng, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ bar, Karaoke.

 

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tập huấn công tác PCCC cho lực lượng PCCC cơ sở.


Công tác PCCC không phải của riêng ai, mà là trách nhiệm và nhiệm vụ của toàn dân. Vì thế, cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, mỗi người dân, chính quyền địa phương, mỗi cơ quan, đoàn thể cần tích cực tham gia phong trào toàn dân PCCC, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bản thân. Có như vậy, công tác đảm bảo an toàn PCCC mới đạt hiệu quả cao./.

 

 

Minh Phương - Phan Anh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website