Bình Phước: Đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người

31/07/2024
Liên tiếp các đường dây mua bán người đã bị triệt phá nhưng những cạm bẫy mua bán người vẫn bủa vây. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ sớm, từ xa, từ cơ sở của các cơ quan chức năng và cả tinh thần chủ động phòng ngừa của người dân trong công tác đấu tranh, phòng chống mua bán người.

Cảnh giác với “việc nhẹ, lương cao”
Khám phá các chuyên án mua bán người gần đây trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng nhận định, tội phạm mua bán người đang diễn ra ngày càng phức tạp do lợi nhuận khổng lồ, đứng thứ ba sau buôn ma tuý và vũ khí. Phương thức, thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, có tổ chức, đặc biệt là trên không gian mạng. Theo đó, các đối tượng thường thông qua mạng xã hội để dụ dỗ phụ nữ lừa bán vào các quán cà phê, karaoke, massage hoạt động kích dục trá hình qua lại trên địa bàn 2 tỉnh Bình Phước và Bình Dương.

Các đối tượng thường trú tại phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành người bị lực lượng chức năng bắt giữ về hành vi mua bán người
Các đối tượng thường trú tại phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước bị lực lượng chức năng bắt giữ về hành vi mua bán người

Lợi dụng sự cả tin của các nạn nhân có nhu cầu tìm kiếm việc làm, các đối tượng phạm tội mua bán người thường lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội tạo lập các tài khoản ảo, các hội nhóm việc nhẹ lương cao, xuất khẩu lao động,…để lừa gạt nạn nhân, cưỡng bức lao động hoặc tổ chức hoạt động mại dâm. “Trong quá trình phạm tội tôi thường đăng bài tuyển dụng trên các trang mạng xã hội bao gồm các công việc nhà hàng, karaoke với thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng một tháng, bao ăn ở. Khi có phụ nữ liên hệ, tôi sẽ tư vấn kĩ về từng công việc. Nếu nhân viên không chịu làm bên tôi sẽ có biện pháp, một là ép nhân viên vào thế phải chi trả chi phí xe, ăn uống từ quê lên, hai là ép phải làm tiếp viên kích dục để trả dần số tiền mà bên tôi đã bỏ ra để đi tìm việc làm cho nhân viên”, một đối tượng khai nhận với điều tra viên về hành vi mua bán người của mình.

Trên thực tế, các nạn nhân bị đối tượng mua bán người lợi dụng thường là những cô gái trẻ, trong khoảng 16 – 18 tuổi, đã trưởng thành về mặt sinh lý nhưng lại thiếu kiến thức về pháp luật và mơ hồ về cuộc sống bên ngoài xã hội. Khi bị đối tượng doạ nạt, các em không có điều kiện và cơ hội để phản kháng nên thường tuân theo và bị các đối tượng “chăn dắt” từ cơ sở này sang cơ sở khác để nhận hoa hồng.

“Các đối tượng hoạt động rất tinh vi, chỉ trao đổi thông tin với nhau bằng các tên hiệu, biệt danh trong các nhóm kín trên Internet và thường xuyên di chuyển qua lại nhiều địa phương”, Thiếu tá Đặng Phi Hùng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Chơn Thành nhận định sau khi triệt phá một chuyên án mua bán người tại thị xã Chơn Thành vào cuối năm 2023.

Nếu như trong giai đoạn trước đây, từ 2012 – 2020, mua bán người chủ yếu là mua bán ra nước ngoài, chiếm trên 85% số vụ thì thời gian gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người trong nước. Qua tổng hợp các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người tại các địa phương trên cả nước và trên địa bàn tỉnh, Cơ quan Công an nhận định, tội phạm mua bán người hiện có 6 phương thức, thủ đoạn hoạt động phổ biến gồm: làm quen, giả vờ yêu, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép; lừa phụ nữ trẻ tuổi từ các vùng quê đưa về thành phố bán cho nhà hàng, quán karaoke, cắt tóc, cà phê, massage; tuyển mộ lao động sang nước ngoài làm việc hứa hẹn với mức lương cao; tiếp cận với những bệnh nhân mắc bệnh có nhu cầu ghép nội tạng để mua bán và hưởng lợi bất chính; lập hội nhóm “cho và nhận con nuôi” trên mạng xã hội để xin hoặc mua lại những đứa trẻ mới sinh rồi tìm người bán để thu lợi và cuối cùng là dụ dỗ, môi giới việc làm, lừa bán người lao động cho các chủ tàu khai thác thuỷ sản trên biển để cưỡng bức lao động.

Lấy nạn nhân làm trung tâm

Tội phạm mua bán người xâm hại trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm. Do vậy, bảo vệ quyền cho nạn nhân mua bán người là trọng tâm trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm này. Hiện nước ta đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp bảo vệ nạn nhân như sửa đổi Luật Phòng chống mua bán người cùng với nhiều Bộ luật và các Luật khác nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác hỗ trợ và thực hiện chế độ, chính sách ngay từ đầu đối với nạn nhân; đồng thời hỗ trợ các cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý vụ án mua bán người.

Lực lượng chức năng tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng cảnh giác, phòng ngừa.
Lực lượng chức năng tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm để người dân xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cảnh giác, phòng ngừa.


Theo đó, một trong những điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật Phòng chống mua bán người sửa đổi là đưa ra định nghĩa khái niệm mua bán người. Định nghĩa mua bán người bao gồm vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp người nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc lấy bộ phận cơ thể người hoặc vì mục đích thương mại khác. Các thủ đoạn như dùng vũ lực, đe doạ vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác cũng được đề cập. Dự thảo Luật cũng đã định nghĩa khái niệm nạn nhân và người đang trong quá trình xác định là nạn nhân. Từ đó, đưa ra các biện pháp hỗ trợ phù hợp giúp nạn nhân bị mua bán trở về nhanh chóng tái hoà nhập cộng đồng. Đồng thời, các trợ giúp pháp lý dành cho nạn nhân bị mua bán trở về nay đã được mở rộng cho tất cả các nạn nhân bị mua bán trở về thay vì chỉ dành cho những nạn nhân có khó khăn về tài chính như trước đây. Các hỗ trợ khác như học văn hoá, học nghề và trợ giúp từ Ngân hàng chính sách xã hội cũng được chú trọng. “Dự thảo Luật nên bổ sung quy định cụ thể về việc thành lập, quản lý, vận hành những cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân trên cơ sở đáp ứng nhu cầu về giới, về quyền và lợi ích chính đáng của những nạn nhân”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Phòng chống mua bán người sửa đổi trong phần thảo luận tổ tại kì họp thứ 7 Quốc hội khoá XV.

Ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng và cơ quan công quyền, người dân cần hết sức cảnh giác để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Trước khi quyết định đi xa làm việc, cần tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, làm gì, đi với ai. Người dân, nhất là nhóm trẻ tuổi, cần cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người quen biết đi làm ăn xa trở về, hứa hẹn tìm việc làm hay rủ hợp tác làm ăn. Luôn đặt nghi vấn trước những lời hứa hẹn, dụ dỗ giúp tìm việc làm có thu nhập cao tại nước ngoài. “Người dân phải thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hoá, pháp luật, kĩ năng tự bảo vệ mình, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân không bị mua bán. Khi phát hiện hành vi buôn bán người, hãy thông báo cho lực lượng chức năng, tổ chức chính quyền nơi gần nhất”, Thượng tá Võ Hoàng Bắc, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Phước nhấn mạnh.

Thảo Sinh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website