Diễn đàn hỏi đáp trực tuyến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở

22/04/2022
Từ 8h00 đến 11h00 ngày 22/4/2022, Bộ Công an tổ chức Diễn đàn hỏi đáp trực tuyến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an. Tham gia diễn đàn, trực tiếp giải đáp, trao đổi với độc giả và nhân dân có Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng và một số chuyên gia thuộc Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an, đơn vị chủ trì xây dựng Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

 

Toàn cảnh Diễn đàn.

 

Bạn Tuấn Anh, Đắk Lắk: Xin Bộ Công an cho biết những điểm mới của dự án Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện so với dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV?

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng: So với dự thảo Luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, dự thảo Luật lần này đã được chỉnh lý, hoàn thiện với các nội dung mới đó là:

- Xác định cụ thể, rõ ràng về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở so với các lực lượng khác ở địa bàn cơ sở;

- Quy định chi tiết, toàn diện về tuyển chọn, sử dụng, thành lập, công nhận các chức danh của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:

- Bổ sung để quy định rõ ràng, đánh giá đầy đủ về tính tự nguyện, tự quản của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở;

- Bổ sung và quy định bao quát về quan hệ công tác, phối hợp của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các cơ quan, tổ chức, lực lượng khác ở địa bàn cơ sở:

- Điều chỉnh quy định về sắp xếp, kiện toàn thống nhất và bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đó là: Dự thảo Luật chỉ kiện toàn thống nhất đối với lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và các chức dnah đội trưởng, đội phó đội dân phòng (không phải toàn bộ lực lượng dân phòng như dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV) để thống nhất thành một lực lượng chung.

- Bổ sung thông tin, số liệu đầy đủ làm cơ sở để đánh giá chi tiết tác động chính sách của dự án Luật, nhất là đánh giá tác động về chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và chỉnh lý, hoàn thiện nội dung quy định trong dự thảo Luật bảo đảm không làm tăng chi ngân sách nhà nước.

- Hoàn thiện các nội dung có liên quan đến bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

 

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an trao đổi với bạn đọc tại Diễn đàn.

 

Bạn đọc Nguyễn Công Anh, Hà Nội: Bộ Công an cho tôi hỏi, mục đích của việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ  an ninh, trật tự ở cơ sở là gì?

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xây dựng, ban hành với mục đích là:

- Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở; tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; cụ thể hóa và tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

- Xây dựng, củng cố phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, các lực lượng chức năng, trong đó có Công an nhân dân làm nòng cốt thực hiện.

- Tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, hoạt động, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, góp phần phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

Bạn đọc Trần Tú Dung, Cần Thơ:  Tôi muốn hỏi, tại sao cần phải xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở?

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng: Bộ Công an xin trả lời bạn đọc Trần Tú Dung về việc xây dựng, ban hành Luật xuất phát từ những lý do sau đây:
- Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở và sắp xếp, đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị được thể hiện ở các văn bản sau: (1)Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia và Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới đề ra nhiệm vụ xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; (2)Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở; (3)Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…;

- Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân và kịp thời tạo cơ sở pháp lý quy định về hoạt động, nhiệm vụ, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với 89.045 Công an xã bán chuyên trách hiện nay đang được sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018, cụ thể:
+ Hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về nhiệm vụ, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động đối với lực lượng Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng cũng như điều chỉnh tên gọi của chức danh Công an xã bán chuyên trách để phân biệt với tên gọi của Công an xã chính quy. Do đó, việc sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là để khắc phục thực trạng khó khăn, vướng mắc hiện nay.
+ Hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân mà theo quy định của Hiến pháp năm 2013 phải do Luật định. Do đó, việc xây dựng một đạo luật để điều chỉnh về hoạt động, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ vừa bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng này ở cơ sở, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo đúng quy định của Hiến pháp.

- Thực hiện sắp xếp, bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ công tác: Hiện nay, các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách đều do Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, quản lý, duy trì hoạt động cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở, từ đó dẫn đến không đồng bộ, thống nhất, mâu thuẫn, chồng lấn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng. Bên cạnh đó, về thực trạng thành lập, bố trí lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng có những vướng mắc, bất cập cần phải được sắp xếp, bố trí lại để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở: Trong điều kiện hiện nay khi tình hình trong nước, khu vực và thế giới liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự đang diễn biến hết sức nhanh chóng, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp với nhiều vấn đề mới đã và sẽ nảy sinh đã đặt ra yêu cầu là phải tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng chuyên trách cũng như phải huy động được quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự và giữ vững an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở là yêu cầu cần thiết; qua đó, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở.

 

Bạn đọc Cao Công Tố, Bắc Ninh: Vị trí, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (bảo vệ dân phố, dân phòng, Công an xã bán chuyên trách) trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở là gì?

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở giữ một vị trí, vai trò quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở và trong suốt quá trình hình thành, phát triển từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, lực lượng này đã có những đóng góp quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đóng góp tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn cơ sở, được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và Nhân dân ghi nhận. Trong bối cảnh hiện nay và thời gian tiếp theo càng thấy rõ hơn vị trí, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; xây dựng được nền an ninh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân để giải quyết kịp thời các vụ, việc liên quan đến an ninh, trật tự và giữ vững an ninh, trật tự ngay từ địa bàn cơ sở, từ sớm, từ xa là yêu cầu cần thiết; qua đó, góp phần quan trọng trong xây dựng xã hội an ninh, an toàn vì cuộc sống bình yên của Nhân dân.

Bạn đọc Minh Hoàng, Hải Phòng: Việc xây dựng Luật này có làm tăng số lượng người tham gia hay không? Có làm tăng chi ngân sách Nhà nước hay không? Xin Bộ Công an làm rõ hơn về vấn đề này?

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng: Dự thảo Luật chỉ thực hiện sắp xếp, kiện toàn lại các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động hiện nay và đang được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật gồm: Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Pháp lệnh Công an xã năm 2008, Nghị định số 38/2006/NĐ-CP ngày 17/4/2006 về bảo vệ dân phố để thống nhất thành một lực lượng với tên gọi chung mà không phải là thành lập lực lượng mới, không phải hình thành nên tổ chức bộ máy mới; cụ thể, dự thảo Luật sắp xếp, kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành 01 lực lượng chung để tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Với việc điều chỉnh theo hướng này sẽ không làm tăng số lượng người tham gia hoạt động và không làm tăng chi ngân sách nhà nước; góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở cơ sở và kiện toàn, tinh gọn lực lượng, tổ chức bộ máy theo chủ trương chung hiện nay.

Đại tá Trần Quốc Toàn, Trưởng phòng, Phòng Pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an trao đổi với bạn đọc.

 

Bạn đọc Hiền Anh, Hưng Yên: Phương án bố trí lực lượng và dự kiến số lượng người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của dự thảo Luật như thế nào?

Đại tá Trần Quốc Toàn: Về phương án bố trí lực lượng và dự kiến số lượng người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của dự thảo Luật: Hiện nay toàn quốc có 103.568 thôn, tổ dân phố; có 72.362 người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, 89.045 Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, 19.390 Công an xã bán chuyên trách có nguyện vọng giải quyết chế độ, chính sách và 128.664 đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Theo đó, tiếp tục sử dụng, kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh này để bố trí ở địa bàn thôn, tổ dân phố theo mô hình Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, bao gồm các chức danh Tổ trưởng, Tổ phó và Tổ viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự thì dự kiến tổng số người tham gia hoạt động trong lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là khoảng 300.0000 người.

Bạn đọc Nguyễn Mai, Bạc Liêu: Xin Bộ Công an cho biết, dự thảo Luật này điều chỉnh với những đối tượng nào?

Đại tá Trần Quốc Toàn: Đây là dự án Luật điều chỉnh đối với các lực lượng, chức danh đã được thành lập, hoạt động trên phạm vi toàn quốc, có lịch sử được thành lập và tồn tại từ rất lâu và hiện nay đang được điều chỉnh trong các văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm: các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Các lực lượng, chức danh này có mối quan hệ chặt chẽ về cơ cấu, tổ chức bộ máy, đều do Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập, bổ nhiệm, được nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động và trong thực tế đã và đang phát huy vai trò tích cực trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đánh giá và có đủ cơ sở để quy định trong Luật.

Bạn đọc Hồ Văn Cẩm, An Giang: Tại sao dự thảo Luật không điều chỉnh đối với các đối tượng là các lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản khác mắc dù cũng có tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở?

Đại tá Trần Quốc Toàn: Đối với các lực lượng quần chúng tự nguyện, tự quản khác được thành lập, tổ chức, hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau, mang tính đơn lẻ, đặc thù ở các địa phương, không mang tính phổ biến trong toàn quốc, còn có nhiều ý kiến khác nhau về tổ chức, hoạt động của các lực lượng này và hiện nay chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể; do đó, cần phải tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá thận trọng, toàn diện cả về lý luận và thực tiễn. Theo đó, Chính phủ đã cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng và thống nhất Luật này chỉ điều chỉnh kiện toàn đối với lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung và lực lượng này làm nòng cốt trong xây dựng phong trào quần chúng tự quản, tự bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Thiếu tá Lê Văn Mai, PhóTrưởng phòng, Phòng Pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an trao đổi với bạn đọc.

 

Bạn đọc Đinh Dũng, Nam Định: Lý do dự thảo Luật quy định kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng chung và lý do chỉ sắp xếp, kiện toàn chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng mà không sắp xếp, kiện toàn cả chức danh đội viên đội dân phòng vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở?

Thiếu tá Lê Văn Mai: Hiện nay, các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đều có chung vị trí, chức năng là lực lượng tham gia hỗ trợ Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự phòng, tự quản về bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn cấp xã. Đối với các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng theo quy định của pháp luật hiện hành đang được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương thuộc địa bàn cấp xã và đang được hưởng hỗ trợ thường xuyên hằng tháng; các chức danh này hiện nay một phần là do các chức danh của lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đảm nhiệm (một người gánh 02 vai, đội 02 mũ) và bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì các chức danh này trong thực tế cũng đang được các địa phương giao thực hiện một số nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Bên cạnh đó, việc dự thảo Luật chỉ sắp xếp, kiện toàn chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng mà không sắp xếp, kiện toàn cả chức danh đội viên đội dân phòng vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là vì để một mặt vẫn huy động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, bảo đảm lực lượng đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở (theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy hiện hành thì đội dân phòng được thành lập ở mỗi thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương, có trung bình 15 thành viên); đồng thời, không làm tăng chi ngân sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (theo quy định của pháp luật hiện hành thì chỉ đội trưởng, đội phó đội dân phòng được hưởng hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, còn đội viên đội dân phòng chỉ được hưởng bồi dưỡng khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, nếu sắp xếp, kiện toàn cả chức danh đội viên đội dân phòng vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì số lượng người được hưởng hỗ trợ thường xuyên hằng tháng sẽ khá lớn và sẽ tác động đến chi ngân sách nhà nước). 

Do đó, khi kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh có chung vị trí, chức năng, đang cùng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay thành một lực lượng chung sẽ góp phần: Kiện toàn, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách cho các lực lượng, chức danh tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự; khắc phục được thực trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng hiện nay; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng được tập trung, thống nhất; bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở địa bàn cơ sở và tập trung nguồn lực xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở lớn mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bạn đọc Việt Anh, Bạc Liêu: Đề nghị cần làm rõ khi kiện toàn thống nhất lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và khi Luật có hiệu lực thi hành thì có tiếp tục duy trì các mô hình quần chúng tự nguyện, tự quản khác ở cơ sở hay không?

Thiếu tá Lê Văn Mai:  Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được xác định là lực lượng làm nòng cốt trong xây dựng mô hình tự quản, tự bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và là hạt nhân quan trọng để đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hằng năm, Bộ Công an đều chỉ đạo đơn vị chức năng tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình tự nguyện, tự quản ở cơ sở để nhân rộng điển hình tiên tiến và xây dựng, phát triển thành mô hình điểm. Theo đó, khi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được kiện toàn thống nhất theo Luật này thì không ảnh hưởng đến việc thành lập, tồn tại của các mô hình quần chúng tự nguyện, tự quản khác và vẫn tiếp tục duy trì, đẩy mạnh hơn nữa phong trào quần chúng tự nguyện, tự quản tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. 

Bạn đọc Huyền Phạm, Kiên Giang: Tại sao phải tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách và quy định trong dự thảo Luật để tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong khi ngành công an đã đưa công an chính quy về xã?

Thiếu tá Lê Văn Mai:  Việc quy định tiếp tục sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách và kiện toàn thống nhất với lực lượng bảo vệ dân phố, các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng thống nhất vừa là để giải quyết chế độ, chính sách và tận dụng được năng lực, trình độ chuyên môn của lực lượng Công an xã bán chuyên trách đã được đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện và đang hoạt động có hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, tránh gây lãng phí nguồn lực xã hội, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với lực lượng đã cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vừa không tạo gánh nặng, áp lực cho Nhà nước trong việc sắp xếp, bố trí lại công việc cho những người trước đây đã từng đảm nhiệm các chức danh Công an xã bán chuyên trách cũng như khắc phục, giải quyết khó khăn về biên chế hiện nay của lực lượng Công an chính quy để bố trí thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn cấp xã. Mặt khác, địa bàn xã là rất rộng, nhiều địa bàn là nơi tập trung các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà hàng, khách sạn hoặc là xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, chia cắt, đi lại khó khăn… không thể bố trí đủ lực lượng Công an xã chính quy trên toàn bộ địa bàn mà vẫn phải huy động, sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự để giúp lực lượng Công an chính quy chủ động, kịp thời phát hiện, giải quyết ngay tại chỗ các vụ, việc, mâu thuẫn xã hội, không để bị động, bất ngờ. Theo đó, tại địa bàn cấp xã, lực lượng Công an cấp xã giữ vai trò là nòng cốt, chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn, còn lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (trong đó có lực lượng Công an xã bán chuyên trách) có trách nhiệm hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự theo sự chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý của Công an cấp xã.

Bạn đọc Dương Trần (tranduong1988thoson@gmail.com): Xin Bộ Công an cho biết người đứng đầu, chỉ huy ở mỗi xã, phường của Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có được xét biên chế không?

Thiếu tá Lê Văn Mai: Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở quy định về lực lượng quần chúng tự nguyện tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Các chức danh Tổ trưởng, Tổ phó, Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở không thuộc tổ chức bộ máy nhà nước nên không được xét biên chế như đối với cán bộ, công chức nhà nước. Các chức danh này khi tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng các chức độ, chính sách theo quy định.

Bạn đọc Thaitukich (thaitukich2016@gmail.com): Cần quy định rõ lực lượng này được giao công cụ hỗ trợ cụ thể gồm những gì và được khoán để giữ theo trong người những công cụ hỗ trợ gì vì lực lượng này gần dân nhất nên khi có vụ việc xảy ra phải ngăn chặn ngay không thể nào để lâu thì việc đến cơ quan nhận công cụ hỗ trợ là muộn rồi, nếu không có công cụ hỗ trợ thì khó làm tốt được, nhất là hiện nay tình trạng thanh thiếu niên thường rất manh động, liều lĩnh không sợ cả Công an nên có thể chống trả, đánh lại lực lượng làm nhiệm vụ, nếu chỉ có tay không thì làm sao làm lại, rồi bắt được người vi phạm hay tội phạm thì có khi một mình không có công cụ hỗ trợ gì thì làm sao còng hay trói rồi đem giao cho cơ quan cấp trên được, mong xem xét lại những khó khăn mà lực lượng này cần nhất.

Đại tá Trần Quốc Toàn: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị, sử dụng công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Cụ thể loại công cụ hỗ trợ được trang bị đã được quy định và thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Bạn đọc Quang Vinh Nguyễn (nguyenquangvinh9614@gmail.com): Từ thực tế tại TP HCM, tôi thấy nên mở lớp đào tạo lực lượng Công an viên vì lực lượng này thực tế làm rất tốt. Đề nghị Bộ Công An xem xét sự cần thiết gom chung 3 lực lượng này. Xin cảm ơn!

Đại tá Trần Quốc Toàn: Dự thảo Luật chỉ kiện toàn thống nhất 02 lực lượng là bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành 01 lực lượng chung chứ không phải là kiện toàn thống nhất 03 lực lượng. Lý do kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố và lực lượng Công an xã bán chuyên trách là vì hiện nay khi địa bàn xã, phường, thị trấn đã được bố trí đồng bộ Công an chính quy và nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn này do Công an xã, phường, thị trấn trực tiếp thực hiện, trực tiếp quản lý; theo đó, các lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách chỉ còn chung một chức năng là tham gia hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn để bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Do đó, khi có cùng vị trí, chức năng thì cần thiết phải kiện toàn thống nhất thành một lực lượng chung để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cũng như có điều kiện để tập trung huy động, đầu tư kinh phí đáp ứng tốt hơn hoạt động của lực lượng này.

Bạn đọc Bình Minh, Ninh Thuận: Sau khi Luật này ban hành, thân nhân của người tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có được hưởng chế độ, chính sách gì hay không? Ví dụ như khi thi tuyển sinh đại học, vào các trường Công an có được ưu tiên điểm hoặc khi ốm đau có được hỗ trợ gì hay không?

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng: Dự thảo Luật chỉ quy định chế độ, chính sách đối với những người tham gia hoạt động trực tiếp trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, còn đối với thân nhân, con em của người tham gia hoạt động trong lực lượng này thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Tuy nhiên, trong thực tế thì cấp ủy, chính quyền các cấp luôn có sự quan tâm đối với các lực lượng quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, trong đó có gia đình, thân nhân của những người tham gia hoạt động trong lực lượng này khi bị ốm đau, khó khăn, hoạn nạn…. Đối với việc ưu tiên điểm thi thì phải căn cứ theo quy định của pháp luật chuyên ngành để áp dụng.

 

Bạn đọc Quyên Trần, Bắc Giang: Dự thảo Luật quy định các chức danh tổ trưởng, tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thuộc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng. Nếu một người kiêm nhiệm 02 chức danh này thì có được hưởng 02 chế độ hỗ trợ hằng tháng theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy hay không?

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng: Dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng hỗ trợ hằng tháng theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Pháp luật phòng cháy và chữa cháy quy định các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng được hưởng hỗ trợ hằng tháng và cũng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Căn cứ các quy định này thì chế độ hỗ trợ hằng tháng cho chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng, tổ trưởng, tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định việc chi trả mức hỗ trợ cao nhất hay hưởng mức hỗ trợ theo quy định của cả Luật này và của cả pháp luật về phòng cháy và chữa cháy đối với chức danh tổ trưởng, tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Bạn đọc Phạm Hoa, Nghệ An: Sau khi Luật này được ban hành thì những người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay có được tiếp tục tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hay vẫn phải trải qua vòng tuyển chọn theo Luật này nếu đáp ứng điều kiện theo quy định mới được tham gia hoạt động?

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng: Sau khi Luật này được ban hành thì những người đang tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng hiện nay sẽ được xem xét để tiếp tục sử dụng tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở mà không phải trải qua vòng tuyển chọn.

Bạn đọc Thành Luân, Quảng Bình: Bộ Công an đề xuất quy định chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở như thế nào để lực lượng này được yên tâm công tác

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng: Dự thảo Luật trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật hiện hành đã bổ sung, điều chỉnh bao quát về chế độ, chính sách, điều kiện hoạt động đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo đó, lực lượng này được hưởng các chế độ, chính sách sau đây:

- Được hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; được bồi dưỡng, hỗ trợ khi được cử đi tập trung bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ.

- Được bố trí địa điểm, nơi làm việc.

- Được được trang bị hồ sơ, sổ sách, phương tiện, thiết bị cần thiết; được bảo đảm trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận để thực hiện nhiệm vụ.

- Được giải quyết chế độ khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh. 

Bạn đọc Nguyễn Sơn, TP. Hồ Chí Minh: Những đối tượng nào có thể được tham gia vào lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở? Họ có nhiệm vụ và quyền lợi gì?

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng: Dự thảo Luật quy định công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính, có đủ các tiêu chuẩn về sức khỏe, lý lịch, trình độ văn hóa, tự nguyện có đơn đề nghị tham gia thì được xem xét, tuyển chọn vào lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc tuyển chọn bảo đảm bình đẳng, công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật.

Người tham gia hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được giao thực hiện các nhiệm vụ mang tính chất hỗ trợ Công an cấp xã trong bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được nhà nước bảo đảm chế độ, chính sách như tiền hỗ trợ hằng tháng, được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, được giải quyết chế độ khi bị ốm đau, tai nạn, bị thương, hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ; được bảo đảm các điều kiện để thực hiện nhiệm vụ.

Bạn đọc Lê Tám, Bình Thuận: Tác động tích cực khi sắp xếp, kiện toàn thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành một lực lượng thống nhất?

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng: Việc sắp xếp, kiện toàn thống nhất sẽ góp phần:

- Bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn;

- Kiện toàn, tinh gọn đầu mối, chức danh theo chủ trương chung hiện nay cũng như kiện toàn lực lượng để có điều kiện tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất và bảo đảm điều kiện cho hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được tốt hơn, thật chất hơn;

- Cắt bỏ được các khoản chi hỗ trợ cho nhiều lực lượng hiện nay đang tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; 

- Bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở; 

- Khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các văn bản quy phạm pháp luật.

Bạn đọc Quốc Anh, Ninh Bình: Tác động tích cực khi kiện toàn thống nhất chức danh Tổ trưởng, Tổ phó Tổ an ninh, trật tự thuộc lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đồng thời là Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy?

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng: Việc điều chỉnh theo hướng nêu trên sẽ góp phần: 

- Kiện toàn, tinh gọn đầu mối, giảm chi hỗ trợ cho các lực lượng tham gia thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; 

- Bảo đảm tính linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở; cụ thể, khi có tình huống an ninh, trật tự xảy ra thì Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự sẽ điều hành, chỉ đạo hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ. Khi có tình huống cháy, nổ xảy ra thì Tổ trưởng, Tổ phó Tổ bảo vệ an ninh, trật tự đồng thời là Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng sẽ điều hành, chỉ đạo hoạt động của lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. 

- Bảo đảm tốt hơn nữa về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cụ thể là khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; khi thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Bạn đọc Sang Phạm, TP. Hồ Chí Minh: Tại sao dự thảo Luật chỉ quy định bố trí lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thành mô hình Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở mà không bố trí theo nhiều mô hình khác nhau?

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng: Dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được bố trí theo mô hình Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, thể hiện quyền tự chủ của nhân dân ở cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, tổ chức, hoạt động của Tổ bảo vệ này phải đặt dưới sự quản lý, giám sát của chính quyền cơ sở để bảo đảm hoạt động trong khuôn khổ quy định. Việc đề xuất mô hình Tổ bảo vệ an ninh, trật tự được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương là để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong tổ chức thực hiện và thống nhất trong công tác quản lý của nhà nước về hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, tránh việc hình thành nhiều mô hình, tổ chức, tên gọi khác nhau như hiện nay, gây khó khăn trong công tác quản lý. Dự thảo Luật quy định bố trí thành Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cũng là để phân biệt giữa tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các lực lượng quần chúng tự quản khác ở cơ sở không được thành lập theo quy định của Luật này. Do đó, Bộ Công an đề nghị chỉ quy định một mô hình là Tổ bảo vệ an ninh, trật tự mà không bố trí theo nhiều mô hình khác nhau.

Bạn đọc Hà Hùng, Đồng Nai: Theo dự thảo Luật, việc bảo đảm địa điểm, nơi làm việc, trang bị cơ sở vật chất, trang phục, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác để lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoạt động sẽ được quy định như thế nào?

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng: Về bảo đảm điều kiện hoạt động, bảo đảm địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do chính quyền các địa phương bảo đảm, cân đối phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Ủy ban nhân dân cấp xã bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại trụ sở Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã, nhà sinh hoạt cộng đồng thôn. Căn cứ điều kiện kinh tế, xã hội và khả năng bảo đảm kinh phí của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã bố địa điểm, nơi làm việc khác đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tiếp tục được sử dụng phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất đã trang bị cho lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách để hoạt động; các địa phương tiếp tục chi trả hỗ trợ hằng tháng cho lực lượng này (bỏ chi trả phụ cấp như quy định hiện nay đang thực hiện đối với bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách). Với việc điều chỉnh theo hướng này sẽ không làm tăng chi ngân sách nhà nước. 

Bạn đọc Thanh Nam, Bình Dương: Nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định như thế nào trong dự thảo Luật; có chồng chéo, trùng dẫm với nhiệm vụ của lực lượng Công an cấp xã hay không.

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng: Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực, thể hiện rõ tính chất là “lực lượng tham gia hỗ trợ”, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở. Theo đó, lực lượng này được giao thực hiện 06 nhóm nhiệm vụ, bao gồm: 

- Thu thập, tổng hợp tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách; 

- Tuyên truyền pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; 

- Tham gia xây dựng lực lượng dân phòng, thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; 

- Hỗ trợ thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội; 

- Tham gia vận động, giúp đỡ người vi phạm pháp luật đã bị xử lý trở về sinh sống tại cộng đồng; 

- Tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và thực hiện các nhiệm vụ khác về bảo vệ an ninh, trật tự.

Bạn đọc Nguyễn Quý, Hải Dương: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ do chính quyền địa phương hay Công an quản lý?

Đại tá Đỗ Khắc Hưởng: Dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do chính quyền địa phương quản lý về tổ chức, hoạt động và lực lượng Công an chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ bảo vệ an ninh, trật tự.

Bộ Công an trân trọng cảm ơn sự quan tâm của bạn đọc và Nhân dân. Mọi nội dung quan tâm liên quan dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ tiếp tục được Bộ Công an tiếp nhận và giải đáp tại Chuyên mục BỘ VỚI CÔNG DÂN trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.

 

 

Ban Biên tập
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website