Kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Y tế Công an nhân dân (12/7/1947 - 12/7/2022) - Kỳ II

25/06/2022
Lượt xem: 1517
Hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng Y tế Công an nhân dân (12/7/1947-12/7/2022), Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an trân trọng giới thiệu bài viết dài kỳ nhằm tái hiện lại những chặng đường lịch sử, ôn lại truyền thống vẻ vang, tôn vinh những thành tích, chiến công của lực lượng Y tế Công an nhân dân (CAND) trong quá trình xây dựng và trưởng thành. Qua đó, để mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng Y tế CAND luôn tự hào, gìn giữ và phát huy truyền thống, trí tuệ, bản lĩnh, lòng yêu nghề, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng toàn lực lượng CAND tích cực đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.


Sau Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ nhất (16/5/1947) và sau khi có công văn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Nha Công an Trung ương thấy cần thiết phải có cán bộ chuyên môn y tế của Ngành. Tháng 02/1949, Nha Công an Trung ương đã cử đồng chí Lê Hậu Sửu đi học lớp y tá do Y tế Liên khu I mở. Kết thúc lớp học, đồng chí Lê Hậu Sửu đã trở lại Nha Công an Trung ương công tác trên cương vị một y tá đã qua lớp đào tạo chuyên môn.

Từ đây, cán bộ, chiến sĩ Nha Công an (đóng ở Chiêm Hóa - Tuyên Quang) đã được chăm sóc sức khỏe bằng bàn tay chuyên môn của cán bộ y tế trong Ngành. Đồng chí Lê Hậu Sửu cũng đã trực tiếp phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho Đoàn cán bộ của Chính phủ Lào do đồng chí Suphanuvông làm Trưởng đoàn sang công tác tại Việt Nam ở Chiến khu Việt Bắc.

Để khắc phục những khó khăn ban đầu về trang thiết bị y tế, lực lượng Công an đã có sáng kiến táo bạo là đánh địch, đột nhập vào Bệnh viện Lê Lợi của địch ở Vũng Tàu để lấy thuốc tây dự trữ trong kho của Bệnh viện về phục vụ cho ta. Trận đánh cuối tháng 4/1949, ta thu được khoảng 10 bao tải thuốc, 01 bộ phẫu thuật và một số dụng cụ khác. Số thuốc và trang thiết bị này được trang bị cho Trạm xá của tỉnh Vũng Tàu và một phần dùng để điều trị cho cán bộ, chiến sĩ Công an.

Đầu năm 1950, Y tế Công an vẫn còn muôn vàn khó khăn. Lực lượng vẫn chỉ một mình đồng chí Lê Hậu Sửu, vừa là y tá, văn thư, thủ quỹ. Trang thiết bị hết sức đơn giản, phần nhiều do tự chế. Thuốc men thông thường nhận theo chỉ tiêu của Bộ Y tế, một số thuốc kháng sinh đặc hiệu thì phải vào vùng địch hậu để mua, một số khác như thuốc cầm máu, hạ sốt thì tự chế biến bằng các loại lá cây.

Cùng với sự phát triển của cuộc kháng chiến, đặc biệt là từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (02/1951), tổ chức Công an có những thay đổi, theo đó, bộ phận Y tế cũng có những chuyển biến nhất định.

Từ khi chức năng y tế thuộc công tác quản trị, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị, cấp cứu thương binh khi có chiến sự xảy ra, thì Y tế Công an bắt đầu có được “mô hình” hoạt động. Từ Nha Công an Trung ương đến Công an các địa phương, đều có một bộ phận y tế hoạt động, góp phần trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng Công an.

Nhìn chung, từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và suốt 09 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Y tế Công an tuy chỉ với một lực lượng rất nhỏ và tổ chức còn manh nha, vừa tiếp nhận sự chỉ đạo của Bộ Y tế vừa tự xây dựng lực lượng của mình, nhưng đã có những đóng góp nhất định đảm bảo yêu cầu chiến đấu và xây dựng lực lượng của CAND.

Kỳ III: Y tế CAND trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ miền Bắc XHCN, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954-1975)

Kỳ I: Xác định Ngày truyền thống của lực lượng Y tế công an nhân dân

Ban Biên tập
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website