Thứ trưởng Lương Tam Quang làm rõ nhiều vấn đề liên quan cấp thị thực du lịch

22/12/2022
Tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã chỉ ra một số nguyên nhân chưa đạt mục tiêu 5 triệu khách du lịch vào Việt Nam trong năm 2022 và làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến việc cấp thị thực.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết, nguyên nhân chúng ta không đạt được mục tiêu năm 2022 đón 5 triệu khách du lịch quốc tế là do tình hình an ninh thế giới và khu vực, vấn đề về giá tăng như giá xăng, giá dầu…và ảnh hưởng từ sự phát triển kinh tế của các nước.

Thứ hai là tốc độ mở cửa phát triển kinh tế của các nước khác nhau. Thị trường lớn của chúng ta là Trung Quốc, Hàn Quốc hiện nay vẫn đang ảnh hưởng từ chính sách của dịch COVID-19…

Thứ ba do xu hướng hậu COVID-19, khách du lịch có tâm lý lo ngại dịch bệnh và chất lượng sản phẩm dịch vụ, vệ sinh môi trường, công tác tuyên truyền hướng dẫn, tạo thuận lợi về các thủ tục, trong đó quan trọng nhất là chất lượng của sản phẩm du lịch.

Vì vậy, chúng ta phải đánh giá kỹ việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và tập trung xây dựng sản phẩm dịch vụ chất lượng cũng như nguồn nhân lực.

Thứ trưởng Lương Tam Quang cũng cho biết, Bộ Công an luôn ủng hộ mở một số dịch vụ phát triển kinh tế đêm và có trách nhiệm bảo đảm an ninh an toàn những dịch vụ đó. 

Nhiều chính sách về Visa đã được thuận lợi, thông thoáng

Về chính sách visa, Thứ trưởng Lương Tam Quang khẳng định, chính sách thị thực hiện tại của Việt Nam rất thông thoáng và thuận lợi. 

Thứ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại Hội nghị.


Bộ Công an luôn đồng hành và tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và tạo điều kiện thông thoáng trong vấn đề thị thực. Sau khi thực hiện thí điểm e-visa (visa điện tử), Bộ Công an chỉ đạo hiện đại hóa phương pháp này (phương pháp xuất nhập cảnh nói chung, cấp thị thực điện tử e-visa nói riêng), cũng như rút ngắn tên miền theo quy định.

Từ 15/3/2022, Bộ Công an đã khôi phục hoàn toàn chính sách thị thực như trước thời gian dịch, đồng thời áp dụng nhiều quy định, chính sách để tạo thuận lợi về thị thực mới, như áp dụng và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 1/7/2020).

Về việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và việc áp dụng các giao dịch điện tử trong việc mời bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh thì hồ sơ thủ tục đơn giản và thực hiện hoàn toàn trên internet. Các cơ quan, tổ chức có thể nộp, nhận kết quả trả lời và đề nghị xét duyệt trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an.

Người nước ngoài quá cảnh Việt Nam và có nhu cầu vào nội địa tham quan, du lịch cũng được xét thị thực phù hợp trong thời gian quá cảnh. Ngoài ra, khách có quốc tịch của 80 quốc gia đã được cấp thị thực điện tử tại Nghị quyết 79 của Chính phủ cũng được đề nghị cấp thị thực điện tử nhập cảnh Việt Nam, không cần phải có cơ quan, tổ chức bảo lãnh.

Ngoài ra, theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, thị thực du lịch cấp cho người ngoài thời hạn đến 03 tháng và được cấp tạm trú tại cửa khẩu thời gian đến 30 ngày.

Theo đồng chí Thứ trưởng, hiện nay, việc cấp thị thực đối với du khách tàu biển cũng rất thuận lợi theo chính sách. Nếu phát hiện du lịch tàu biển nào đến Việt Nam chỉ vì không được cấp thị thực mà không được lên bờ, thì sẽ bị xử lý theo quy định…

Một vấn đề nữa là miễn thị thực với thời gian tạm trú 30 ngày đối với người nước ngoài vào các khu kinh tế ven biển. Từ 15/3/2022, Bộ Công an đã tăng cường áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa) cho công dân 80 nước. 

Thứ trưởng Lương Tam Quang cho biết: "Chúng tôi đang xem xét và kiến nghị mở rộng áp dụng cấp thị thực điện tử tới tối đa các quốc gia, ngoài 80 nước này, kể cả công dân các nước được miễn thị thực đơn phương cũng ưu tiên lựa chọn cấp thị thực điện tử" (Một số nước được ưu tiên miễn thị thực song phương nhưng nhiều công dân của các nước này cũng lựa chọn cấp e-visa vì thời gian nhập cảnh dài hơn. Hiện nay, theo quy định miễn cấp thị thực song phương chỉ trong 15 ngày).

Theo thống kê của Bộ Công an, những nước được ưu tiên miễn thị thực, số người dân lựa chọn cấp e-visa lên tới 500.000 người. Đồng thời, Bộ Công an cũng đề nghị, quy định 38 cửa khẩu cho phép cấp thị thực điện tử, trong đó có 9 cửa khẩu đường không, 16 cửa khẩu đường bộ và 13 cửa khẩu đường biển.

Tại tờ trình Quốc hội khi xây dựng chính sách thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài, Chính phủ cũng đã nêu quan điểm, sẽ nghiên cứu, thu hẹp dần và có thể áp dụng đơn phương miễn thị thực trong quá trình thực hiện. Tại cuộc họp về du lịch tháng 8/2022 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đề nghị các bộ, ngành, doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận, thống nhất nhận thức về việc áp dụng thị thực điện tử - giải pháp quan trọng thu hút khách du lịch. 

Thứ trưởng Lương Tam Quang cũng khẳng định, hiện nay Bộ Công an đã đơn giản hóa thủ tục hành chính cho phép khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam, tối đa 03 ngày làm việc phải giải quyết. Khôi phục chính sách miễn thị thực cho công dân 13 quốc gia đến ngày 14/3/2025 theo Nghị quyết 32. 

Hiện nay, theo thống kê của Bộ Công an, thời điểm trước khi áp dụng chính sách đơn phương miễn thị thực thì Hàn Quốc có mức tăng trưởng lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng vượt trội, hơn 500%, nhiều nước khác, lượng khách tăng từ 20-30% như Na Uy, Nhật, Pháp, Phần Lan, Thụy Điển, Anh. 

Trong khi đó, cũng trong giai đoạn này, đối với những nước chưa miễn visa mà Bộ Công an đang đề nghị cấp e-visa như Trung Quốc thì lượng khách đến Việt Nam cũng tăng 300%. Đây là thị trường tăng trưởng rất lớn đối với khách du lịch đến Việt Nam. Các thị trường khác như Mỹ tăng 167%, Hong Kong tăng 347% và Australia tăng 119%...

Liên quan đến thời hạn 30 ngày đối với khách quốc tế nhập cảnh theo diện miễn thị thực, Thứ trưởng cho biết, thực tế khách nước ngoài đến Việt Nam theo diện miễn thị thực hiện nay Luật quy định là 15 ngày, nhưng nếu trường hợp có nhu cầu gia hạn thời gian thì thủ tục này cũng được thực hiện trên môi trường điện tử, nhưng liên quan đến xét chuyển đổi mục đích khác thì phải có bảo lãnh của đơn vị, tổ chức (chẳng hạn lúc đầu mục đích là du lịch, sau đó mục đích thay đổi là đầu tư tại Việt Nam), khi đó theo Luật Đầu tư, người nước ngoài có thể nhập cảnh tối đa lên tới 10 năm.

Đối với người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử nếu có nhu cầu tiếp tục ở lại Việt Nam thì cần có một số giấy tờ như giấy chứng minh là nhà đầu tư, chứng minh là cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, cá nhân bảo lãnh hoặc giấy phép lao động… khi đó, họ tiếp tục được ở lại (thủ tục cũng được cấp trên môi trường điện tử).

 

Hiền Minh - Hồng Giang
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website