Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn trước Quốc hội đối với vấn đề thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự

10/08/2022
Lượt xem: 2554
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 14, sáng 10/8/2022, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Công an. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến tới 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành trực thuộc Trung ương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn.


Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Trên cơ sở tiêu chí, trình tự, thủ tục lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn, UBTVQH quyết định lựa chọn hai nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch Nguyễn Văn Hùng.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ trả lời chất vấn về các vấn đề sau: (1) Công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên môi trường mạng internet; (2) Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH về công tác phòng, chống tội phạm; (3) Xây dựng, kết nối, khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư, vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử, hộ chiếu phổ thông mới.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tô Lâm về nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Công an. Bộ trưởng Tô Lâm đã trân trọng lắng nghe và giải trình đầy đủ các ý kiến đại biểu tại Phiên chất vấn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên chất vấn.


Quản lý chặt chẽ thông tin trên không gian mạng

Giải trình ý kiến của các đại biểu về vấn đề đưa tin không chính xác, phát tán các video phản cảm, độc hại trên mạng Internet, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội. Trước tình hình đó, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam; qua đó kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội. Bộ cũng đã đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh với những hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội, hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước; đồng thời tuyên truyền cảnh báo định hướng dư luận. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật.

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn.


Phát huy vai trò Ban Chỉ đạo 35 các cấp về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện. Đồng thời chỉ rõ những thủ đoạn, tính chất nguy hại của thông tin xấu độc đối với xã hội; trang bị kiến thức cần thiết để mỗi người có thể tự sàng lọc, tiếp nhận thông tin hữu ích, chính thống, đồng thời “miễn dịch” với những thông tin xấu, độc làm nhiễu loạn môi trường xã hội.

Về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trong xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện những sơ hở thiếu sót trong công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương và hoạt động của các tập đoàn, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập thông tin cá nhân. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức về cung cấp, quản lý hồ sơ cá nhân, dữ liệu cá nhân và người dân, nhất là tâm lý sẵn sàng đánh đổi thông tin đời tư, thông tin cá nhân để lấy sự tiện ích về mặt công nghệ. Tham mưu Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị chủ trương ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; coi đây là giải pháp then chốt để phòng ngừa, đấu tranh với thực trạng buôn bán, xử lý dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay.

Về ý kiến liên quan đến tin giả, tin sai sự thật và hiệu quả của công tác tuyên truyền, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, Bộ Công an chỉ làm công tác đấu tranh với hoạt động này, còn hiệu quả công tác tuyên truyền lại là lĩnh vực khác.

Về các giải pháp đấu tranh, Bộ Công an được giao nhiệm vụ rà soát để đảm bảo an ninh trên mạng, trong đó có rà soát những thông tin độc hại tán phát trên trên mạng. Đồng thời tìm ra những đối tượng, tổ chức lợi dụng những việc này để gây hoang mang dư luận. Kiến nghị với Chính phủ, với Quốc hội những giải pháp để đấu tranh làm giảm thiểu những hoạt động này, đồng thời phối hợp cùng với các ngành thông tin, tuyên truyền, tuyên giáo để phủ xanh những thông tin không độc hại để định hướng tuyên truyền trong nhân dân.

Đối với ý kiến đại biểu Nguyễn Văn Mạnh-  Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc về bảo vệ thông tin cá nhân, Bộ Công an xác định đây là vấn đề hết sức quan trọng. Hiện nay, môi trường mạng đã đi vào các mặt trong đời sống xã hội, vấn đề khó khăn nhất chính là trên môi trường mạng. Môi trường mạng là vấn đề rất mới, chưa đủ hành lang pháp lý… Đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước khi thực hiện quản trị, quản lý xã hội mới bằng cách sử dụng công nghệ thì đương nhiên sẽ có tích lũy, tập hợp dữ liệu trên thông tin mạng. Đứng ở mặt quốc gia là tài nguyên quốc gia, về mặt cá nhân là bí mật đời tư cá nhân, do đó vấn đề này phải được bảo vệ và quy định nghiêm ngặt.

Về vấn đề cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 73/2021/TT-BCA ngày 29/6/2021 quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu có liên quan. So với hộ chiếu mẫu cũ, hộ chiếu mẫu mới được sản xuất, in ấn bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an cao hơn và chống nguy cơ làm giả, đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Theo quy định của ICAO, tiêu chuẩn hộ chiếu, các thông tin bắt buộc phải có trên hộ chiếu bao gồm: loại hộ chiếu, họ và tên, số hộ chiếu, quốc tịch, ngày tháng năm sinh, giới tính và ngày hết hạn hộ chiếu. Mẫu hộ chiếu mới ban hành kèm theo Thông tư số 73/2021/TT-BCA đã tuân thủ chặt chẽ các quy định trên và hoàn toàn đáp ứng đúng các tiêu chuẩn quốc tế.

Đối với việc một số nước Châu Âu thông báo từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã làm việc với các cơ quan chức năng của các nước và xác định đây là vấn đề mang tính kỹ thuật, hộ chiếu thiếu nơi sinh sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý của các nước sở tại. Do đó, để giải quyết vấn đề trên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công dân ta khi làm thủ tục xin thị thực vào các nước trong khu vực Schengen gồm 26 quốc gia Châu Âu, Bộ Công an đã thống nhất với Bộ Ngoại giao trước mắt tiến hành bị chú “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới cho công dân khi công dân có đề nghị. Về lâu dài sẽ tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu, trong đó bổ sung mục “nơi sinh” trang nhân thân hộ chiếu.

Xử lý nghiêm các loại tội phạm liên quan đến tín dụng đen

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Yến Nhi- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre về "tín dụng đen", Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định 3 năm qua, lực lượng Công an phối với các lực lượng có liên quan xử lý, giải quyết trấn áp mạnh mẽ loại tội phạm này đã kiềm chế và đẩy lùi được loại tội phạm này, không còn tình trạng phức tạp, công khai, lộng hành như thời gian trước đây. Tuy nhiên, tình hình vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là cho vay qua Internet. Gần đây, ngành Công an triệt phá băng nhóm hoạt động với quy mô lớn, hoạt động ở nhiều tỉnh thành do các đối tượng, thậm chí có cả người nước ngoài tham gia điều hành với quy mô rất lớn, với số tiền cho vay lên tới nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do nhu cầu tín dụng đen trong nhân dân rất lớn. Việc xử lý tội phạm liên quan đến tín dụng đen cũng gặp khó khăn do số đối tượng dùng các thủ đoạn lách luật nên khó xác định giữa phạm vi dân sự với hình sự, nếu không thận trọng, không thể hình sự hóa quan hệ dân sự, nếu không làm tốt sẽ bỏ lọt tội phạm.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng nêu các giải pháp trong thời gian tới, đó là tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", không được chủ quan chùng xuống. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, toàn dân trong giải quyết các loại tội phạm này. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thường xuyên cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, để nhân dân phòng ngừa. Bộ Công an cũng phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng đẩy mạnh các biện pháp để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng của ngân hàng một cách thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu, không phải không phải đi vay tín dụng đen... Đồng thời, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen" bởi phần lớn các tổ chức "tín dụng đen" đều có liên quan, có quan hệ với đối tượng tội phạm hình sự. Vì vậy ngành Công an đã có giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các nhóm tội phạm có tổ chức. Đây là giải pháp rất quan trọng đã thực hiện thành công và sẽ tiếp tục thực hiện.

Tích hợp các thông tin của các ngành lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga– Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Bộ đang triển khai tích hợp các thông tin của các ngành lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, thẻ căn cước công dân. Các loại căn cước công dân có gắn chip điện tử có thể tích hợp được thông tin của hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng…

Hiện nay, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở dữ liệu để kết nối liên thông, đáp ứng việc khai thác, sử dụng đồng bộ. Ngày 09/8/2022, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của Chính phủ đã đặt ra lộ trình về việc này để có kết nối dữ liệu đồng bộ phục vụ cho công tác quản lý, quản trị của các cơ quan nhà nước; đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình giao dịch. Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới, khi hệ thống dữ liệu quốc gia đồng bộ với các bộ, ngành khác, giao dịch của người dân đi làm các thủ tục hành chính khác sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Về số liệu không chính xác liên quan đến căn cước công dân, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ đã thực hiện đúng nguyên tắc, tuy nhiên, có những trường hợp thay đổi thông tin cá nhân. Công dân có quyền thay đổi thông tin cá nhân của mình, về tên, họ, quê quán, chỉnh sửa ngày sinh… Ngoài ra, cũng có trường hợp người khai lần đầu không đưa ra thông tin chính xác, hoặc cán bộ thực hiện thiếu trách nhiệm. Tuy nhiên số lượng này không nhiều. Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ sẽ tích cực phối hợp, hoàn thiện, cấp đủ giấy tờ cho công dân, trên cơ sở đó, các cơ quan khác căn cứ vào dữ liệu chính xác đó để tiến hành công việc của mình. Đây cũng là việc rất công phu, đòi hỏi công sức và thời gian.

Liên quan đến vấn đề cơ sở pháp lý việc ban hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, vừa qua, Bộ đã giải quyết các khâu căn cứ trên Luật Căn cước công dân. Tuy nhiên, có hai khâu liên quan đến Bộ Tư pháp theo Luật Hộ tịch, đó là khâu khai sinh và khai tử. Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị nên đồng bộ hai khâu này, để đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân. Theo đó, trẻ sinh ra, căn cứ trên giấy chứng sinh, bé được cấp mã số định danh cá nhân, chính là số căn cước công dân được nhận khi đủ tuổi. Từ mã số này, bé sẽ có bảo hiểm y tế khi mã số được kết nối với cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế. Hộ tịch, hộ khẩu, các loại thủ tục sẽ đều được thực hiện đồng bộ, giảm thiểu rất nhiều thời gian và công sức cho người dân. Hiện nay, việc kết nối các cơ sở dữ liệu còn một số vướng mắc ở Luật Hộ tịch, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng để giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng

Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Văn Hòa– Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp về giải pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm có tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên không gian mạng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Công an đã triển khai nhiều kế hoạch, các giải pháp đấu tranh trấn áp tội phạm, tổ chức đánh bạc trên không gian đạt được nhiều kết quả. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022 đã khởi tố gần 600 bị can trong các vụ án đánh bạc đánh bạc. 

Về những giải pháp trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tổ chức trên không gian mạng; tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm tình hình các trang mạng, tổ chức đánh bạc tại Việt Nam, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là đối tượng cầm đầu.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn hoạt động của tổ chức tội phạm đánh bạc trên không gian mạng, phổ biến các quy định, chế tài xử lý hệ lụy của việc tham gia đánh bạc giúp cho người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, hỗ trợ cho lực lượng chức năng trong đấu tranh với tội phạm này. Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh mạng, đặc biệt là thanh toán trực tuyến.

Trả lời các ý kiến về vấn đề quản lý, hạn chế tình trạng cá cược trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, các cơ quan chuyên môn hiện chưa chọn được đơn vị, cơ quan làm đầu mối. Quan điểm của Bộ Công an là đã có Nghị định của Chính phủ thì sẽ thực hiện thống nhất theo Nghị định, tuy nhiên hiện nay chúng ta chưa có cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào đủ điều kiện đứng ra làm cá cược thể thao.

Tăng cường quản lý nhà nước về an ninh mạng

Trả lời chất vấn của đại biểu Cầm Thị Mẫn– Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa về những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước về an ninh mạng hiện nay, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng chưa hoàn thiện. Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, các địa phương, tổ chức chính trị xã hội chưa đi vào thực chất, có tình trạng khoán trắng nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các cơ quan chuyên trách. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm về an ninh mạng hiện nay còn chưa kịp thời. Bộ Công an cũng tập trung tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý trên lĩnh vực an ninh mạng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn quản lý nhà nước về an ninh mạng. Nâng cao trình độ, năng lực và sự quan tâm đầu tư, trang bị công cụ, phương tiện, nghiệp vụ hiện đại để theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới cho lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Bộ Công an cũng tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo an ninh mạng, cũng như phối hợp với nước ngoài trong đấu tranh với loại tội phạm này.

Đối với ý kiến của đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá, nguy cơ mất an ninh, an toàn thông tin ở Việt Nam vẫn ở mức rất cao. Đặc biệt là tại một số cơ quan Trung ương, cơ quan đầu mối về chính sách, những tập đoàn tài chính kinh tế lớn, thì các nhóm tin tặc thường xuyên sử dụng các dòng mã độc, nguy hiểm để tấn công, xâm nhập, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước. Hoạt động trao đổi, mua bán trái phép những thông tin, dữ liệu cá nhân trên cũng diễn ra một cách công khai. Trên một số diễn đàn, các đối tượng thường xuyên trao đổi, chia sẻ về phương thức tấn công, những công cụ tấn công để đánh cắp thông tin, dữ liệu của các cơ quan, tổ chức. Bộ trưởng Bộ Công an cũng nhận thấy, mức độ xử lý các vụ việc vẫn còn rất thấp so với diễn biến tình hình thực tế. Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chủ yếu là do an ninh mạng là một thách thức mang tính toàn cầu; công tác đảm bảo an ninh hệ thống mạng tại một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm triển khai đúng mức. Việc đầu tư cho hạng mục này cũng hết sức hạn chế, ý thức bảo đảm an ninh mạng của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể chưa cao. Thực tế có một số cơ quan không quan tâm đến vấn đề an ninh mạng. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực liên quan đến an ninh mạng chưa hoàn thiện.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ khẩn trương tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến bảo đảm an ninh mạng. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương khắc phục những sơ hở, thiếu sót, những cái lỗ hổng bảo mật, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định để bảo đảm an ninh mạng. Đồng thời củng cố lực lượng chuyên trách, thường trực giám sát đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Chủ động phát hiện, ngăn chặn các sự cố, nguy cơ gây mất an ninh, an toàn và tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đến an ninh mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Kiểm soát chặt chẽ các nguồn cung- cầu chất ma túy

Về vấn đề sử dụng trái phép chất ma túy, Bộ trưởng cho biết, tình hình tội phạm ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm. Bộ Công an xác định tội phạm ma túy là tôi phạm của các loại tội phạm. Luật Phòng, chống ma tuý đã có quy định rất cụ thể, chặt chẽ; áp dụng đúng quy định của luật sẽ đảm bảo thực thi có hiệu quả công tác này. Bộ Công an đang tích cực kiểm soát nguồn cung từ nước ngoài, tuy nhiên song song với nó là phải giải quyết nguồn cầu trong nước. Diễn biến tội phạm trong nước diễn biến phức tạp hơn khi giá ma túy cao hơn. Do đó, để thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để thực hiện tốt các nội dung của luật.

 

Toàn cảnh phiên chất vấn.

 

Mức giảm tội phạm hàng năm gần 10%

Về ý kiến của đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ tội phạm luôn luôn ẩn, Bộ Công an đã thực hiện các biện pháp giảm tội phạm. Mục tiêu đặt ra là mỗi năm giảm 5% tội phạm, nhưng trên thực tế, nhiều năm gần đây, mức giảm tội phạm hàng năm gần 10%, đây là tín hiệu rất mừng. Bộ trưởng Tô Lâm lý giải, việc ra quân tấn công trấn áp tội phạm tức là phải vạch trần thêm nhiều tội phạm, sẽ phải xử lý nhiều vụ án hơn và bắt giữ nhiều đối tượng hơn. Mặt bằng chung về tội phạm trong phạm vi quốc gia, hiện nay có nhiều tỉnh, nhiều huyện không có vi phạm hình sự. Tiến tới xã hội lành mạnh, kỷ cương, an toàn trật tự, không tội phạm là mục tiêu lớn của Bộ Công an. Có thể số xử lý tăng lên nhưng số tội phạm lại giảm đi.

Về ý kiến của đại biểu Trần Văn Sáu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp về nhận định cả nước không còn những tụ điểm phức tạp về ma túy, Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ, hầu hết các tụ điểm nóng về ma tuý đã được xử lý, không còn tụ điểm phức tạp về ma tuý. Hiện nay, Bộ Công an đang tập trung giải quyết một số tụ điểm có dấu hiệu liên quan đến tụ tập của người nước ngoài liên quan đến các tụ điểm liên quan đến bóng cười. Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, hiện nay Bộ Công an đang nghiên cứu các giải pháp để xây dựng phương châm từng thôn, xóm phấn đấu không có ma túy, trên tinh thần thực hiện Luật Phòng, chống ma túy mới được Quốc hội thông qua năm 2021...

Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an tiếp tục thông tin về Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an...

Nguyễn Anh
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website