2.114 vụ tịch thu các loài động vật và gỗ nguy cấp trong Chiến dịch Thunder 2023 của INTERPOL

30/10/2023
Từ ngày 02 - 27/10/2023, INTERPOL đã phối hợp với Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) điều phối thực hiện Chiến dịch Thunder 2023 trên phạm vi toàn cầu để thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Cites).

 Tham gia Chiến dịch có lực lượng Cảnh sát, Hải quan, kiểm soát biên giới, môi trường, kiểm lâm từ 133 quốc gia thành viên INTERPOL.
 

Các kết quả của Chiến dịch Thunder 2023.
Các kết quả của Chiến dịch Thunder 2023.


Chiến dịch Thunder được thực hiện lần đầu vào năm 2017 và được INTERPOL điều phối thực hiện hàng năm nhằm phòng, chống việc buôn bán trái phép các loài động, thực vật hoang dã được bảo vệ theo Cites. Thông qua Chiến dịch Thunder 2023, cơ quan thực thi pháp luật các quốc gia tham gia Chiến dịch đã bắt giữ khoảng 500 đối tượng; thực hiện 2.114 vụ tịch thu các loại động vật và thực vật nguy cấp, quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng theo quy định của Cites, trong đó có hơn 300kg ngà voi, hàng nghìn trứng rùa, 2.624 m3 gỗ, 30 tấn thực vật, hàng chục bộ phận cơ thể mèo lớn và sừng tê giác, cũng như các loài linh trưởng, chim và các loài sinh vật biển khác.
 

Cơ quan có thẩm quyền Indonesia ngăn chặn việc các loài chim được giấu trong các hộp các tông để vận chuyển.
Cơ quan có thẩm quyền Indonesia ngăn chặn việc các loài chim được giấu trong các hộp các tông để vận chuyển.
 
Kiểm lâm Brunei kiểm tra các loại cây  tại nơi tịch thu 2.624 m3 gỗ trong Chiến dịch
Kiểm lâm Brunei kiểm tra các loại cây tại nơi tịch thu 2.624 m3 gỗ trong Chiến dịch


Mặc dù INTERPOL vẫn đang tiếp tục cập nhật kết quả của Chiến dịch Thunder 2023, nhưng căn cứ vào những dữ liệu ban đầu đã giúp INTERPOL và các nước thành viên xác định một số xu hướng trong buôn bán động vật hoang dã: (1) 60% các vụ buôn bán động vật hoang dã có liên quan đến các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, hoạt động dọc theo các tuyến đường buôn lậu các loại hàng hóa bất hợp pháp khác; (2) Các loài bò sát và sinh vật biển được bảo vệ bị khai thác để sử dụng cho ngành thời trang hàng hiệu cao cấp; (3) Các nền tảng bán hàng trực tuyến ngày càng được sử dụng rộng rãi để buôn bán động thực vật hoang dã; (4) Gỗ lậu và gỗ hợp pháp được trộn lẫn để vận chuyển gây khó khăn cho việc phát hiện gỗ khai thác trái phép; (5) Các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia tăng cường sử dụng giấy tờ giả, đặc biệt là các chứng chỉ, giấy phép Cites và giấy phép tái sử dụng giả để thực hiện hành vi phạm tội.

Theo ông Jürgen Stock, Tổng thư ký INTERPOL: “Việc buôn bán các loài động, thực vật hoang dã đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của các loài động vật và thực vật độc đáo của thế giới, gây thiệt hại lớn cho tài sản và tài nguyên thiên nhiên của mỗi quốc gia. Tội phạm môi trường cũng liên quan mật thiết đến các loại tội phạm khác như tham nhũng, tài chính, bạo lực và liên quan chặt chẽ với các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. INTERPOL và WCO sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong bảo vệ đa dạng sinh học và an toàn thế giới”.

Chiến dịch Thunder được Ban Hợp tác quốc tế của Ủy ban Châu Âu, Sáng kiến Rừng và Khí hậu quốc tế của Nauy, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ và Bộ Môi trường, Lương thực và các vấn đề Nông thôn của Vương quốc Anh tài trợ.

Bản quyền INTERPOL
Tìm kiếm