Nhiều đối tượng truy nã quốc tế bị bắt giữ trong Chiến dịch Tighten the Net của INTERPOL

11/10/2023
Vừa qua, INTERPOL đã tổ chức Cuộc họp tổng kết Chiến dịch Tighten the Net về xác minh, truy bắt các đối tượng truy nã quốc tế của INTERPOL tại Busan, Hàn Quốc. Tham dự Cuộc họp có hơn 30 đại biểu đến từ Ban Điều phối hợp tác cảnh sát, Ban hỗ trợ điều tra tội phạm truy nã của INTERPOL, Cơ quan thực thi pháp luật các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Campuchia, Hoa Kỳ, Thụy Điển, Hongkong, Macau (Trung Quốc) và Việt Nam.

 

Cuộc họp tổng kết Chiến dịch Tighten the Net.
Các đại biểu dự cuộc họp tổng kết Chiến dịch Tighten the Net.


Theo chương trình nghị sự, đại diện INTERPOL đã tổng kết những kết quả đã đạt được trong 01 tháng triển khai Chiến dịch Tighten the Net vào tháng 8/2023: Với sự điều phối của INTERPOL, các quốc gia tham gia Chiến dịch đã gửi 3121 lượt thông tin liên quan đến các đối tượng truy nã, trong đó có 886 yêu cầu xác minh, truy bắt, 2235 lượt phản hồi. Qua quá trình xác minh, truy bắt, Cảnh sát các nước đã tiến hành bắt giữ 24 đối tượng truy nã quốc tế; xác định nơi lẩn trốn của 200 đối tượng bị truy nã. INTERPOL đã ban hành 62 Thông báo truy nã quốc tế, 20 Thông báo tím (cảnh báo phương thức, thủ đoạn phạm tội). Hiện tại, các nước vẫn tiếp tục phối hợp để tiến hành các thủ tục bàn giao đối tượng truy nã quốc tế.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các đại biểu tham dự Cuộc họp đã tập trung trao đổi về một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình xác minh, truy bắt các đối tượng truy nã quốc tế, tập trung vào một số khó khăn sau: (1) Sự khác biệt trong pháp luật giữa các nước gây ra những khó khăn nhất định cho công tác bắt giữ, bàn giao các đối tượng truy nã quốc tế; (2) quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin của các đối tượng truy nã tại hầu hết các quốc gia thường cần thời gian để xác minh, truy tìm, đôi khi dẫn đến việc chậm trễ trong việc bắt giữ các đối tượng; (3) Các đối tượng truy nã ngày càng có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh sự truy tìm của các cơ quan thực thi pháp luật như thay đổi thông tin nhân thân, làm giả giấy tờ, sử dụng các thiết bị điện tử, phương tiện mạng xã hội nhằm hạn chế việc phải trực tiếp thực hiện các giao dịch hoặc các thủ tục hành chính tại nơi lẩn trốn.

Việc các nước chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt trong công tác truy nã tội phạm cũng là một trong các nội dung quan trọng tại Cuộc họp. Đại diện Hàn Quốc chia sẻ việc thiết lập kênh thông tin liên lạc phản ứng nhanh, đặt tại Trụ sở Cảnh sát các nước địa bàn trọng điểm (Việt Nam, Philippinnes, Thái Lan) nhằm nhanh chóng, kịp thời trao đổi, xử lý thông tin giữa hai bên, phối hợp với Cảnh sát bản địa xác minh, truy bắt các đối tượng truy nã. Cảnh sát Philippinnes đã hoàn thành kết nối Cơ sở dữ liệu truy nã quốc tế của INTERPOL đến tất cả các cảng hàng không, cảng biển trên toàn quốc, thực hiện việc rà soát thông tin đối với tất cả hành khách nhập, xuất cảnh Philippinnes nhằm phát hiện các đối tượng truy nã quốc tế cũng như phòng, ngừa các loại tội phạm khác. Đại diện Hoa Kỳ giới thiệu sơ lược về quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin tội phạm nói chung và tội phạm truy nã nói riêng.

Kết thúc Cuộc họp, INTERPOL và đại biểu các nước đều thống nhất cần phải tăng cường trao đổi thông tin, thiết lập kênh liên lạc 24/7 nhằm nâng cao hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong truy nã tội phạm. Ngoài ra, trong thời gian tới, INTERPOL sẽ tiếp tục lên kế hoạch để triển khai nhiều hoạt động trong vai trò điều phối viên với cơ quan thực thi pháp luật các nước trong truy nã tội phạm; tích cực đẩy mạnh việc sử dụng các công cụ, dịch vụ của INTERPOL nhằm hỗ trợ các nước trong xác minh, truy tìm và bắt giữ các đối tượng truy nã.

Bản quyền: INTERPOL Việt Nam
Tìm kiếm