Chung tay cùng đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em

09/03/2023
INTERPOL đã tổ chức cuộc họp Nhóm chuyên gia INTERPOL về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em lần thứ 39 tại trụ sở Ban Tổng thư ký INTERPOL ở Lyon, Pháp từ ngày 06-09/3/2023 với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu đến từ các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân và các học giả của 80 quốc gia trên thế giới.

Cuộc họp Nhóm chuyên gia INTERPOL về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em được tổ chức thường niên nhằm mục đích tăng cường hợp tác quốc tế trong điều tra, ngăn chặn và triệt phá tội phạm xâm hại trẻ em, bao gồm tội phạm lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến.

 

Tại Cuộc họp lần thứ 39, các đại biểu đã cùng xem xét, đánh giá lại các nỗ lực toàn cầu và các giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ điều tra các vụ án lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến, xác định các nạn nhân, đối tượng phạm tội, đồng thời phá vỡ các mạng lưới tội phạm chuyên sản xuất và phổ biến các sản phẩm lạm dụng tình dục trẻ em trên thế giới.

Trước tình hình phức tạp của tội phạm xâm hại trẻ em, đặc biệt là sự gia tăng trên phạm vi toàn cầu các vụ việc quấy rối tình dục trẻ em, đe dọa công bố thông tin, hình ảnh hoặc video tình dục của trẻ em nhằm mục đích tống tiền, làm nhục, gây tổn thương về thể chất hoặc tinh thần trẻ em, Nhóm chuyên gia INTERPOL về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng phát triển các sáng kiến nhằm đấu tranh chống tội phạm xâm hại trẻ em. 

Nhóm chuyên gia INTERPOL đặc biệt nhấn mạnh đến việc các quốc gia cần phải: (1) Điều chỉnh chính sách pháp luật để phù hợp với bản chất thay đổi của loại tội phạm này; (2) Tăng cường hợp tác về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em; (3) Nâng cao nhận thức của cha mẹ, người giám hộ trong việc giáo dục con cái về an ninh mạng, cài đặt quyền riêng tư, quản lý mật khẩu, những rủi ro nghiêm trọng liên quan đến việc chia sẻ tài liệu, đặc biệt duy trì mối quan hệ mật thiết giữa cha mẹ và con cái để các con luôn cảm thấy an toàn và có thể chia sẻ với cha mẹ khi cần giúp đỡ; (4) Nâng cao nhận thức của cộng đồng, kêu gọi các cơ quan truyền thông tăng cường đưa tin về các vụ xâm hại tình dục trẻ em, tránh đổ lỗi cho nạn nhân; (5) Kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ, đơn vị truyền thông, tổ chức xã hội, các tổ chức phi lợi nhuận tăng cường hợp tác với các cơ quan chính phủ để thiết lập cơ chế hiệu quả trong xác định, báo cáo về các hành vi quấy rối tình dục và hỗ trợ các nạn nhân.

Bản quyền INTERPOL
Tìm kiếm