Bộ Công an lấy ý kiến về quy định thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc

Ngày 16/7/2021, Bộ Công an đã hoàn thành Hồ sơ dự thảo Nghị định quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hồ sơ dự thảo Nghị định gồm có dự thảo Tờ trình và dự thảo Nghị định.

Bố cục của dự thảo Nghị định gồm có 04 chương 53 điều, quy định về lập hồ sơ đề nghị, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa người vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; thành lập trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc; chế độ quản lý, giáo dục, trình tự, thủ tục về lập hồ sơ hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

 

Đối tượng áp dụng quy định tại dự thảo Nghị định bao gồm người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; cơ quan, người có thẩm quyền thi hành, quản lý, giáo dục người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc; cơ quan, người có thẩm quyền lập hồ sơ đề nghị, có liên quan đến việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.

 

Theo đó, dự thảo Nghị định quy định về việc truy tìm người đã có quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc mà bỏ trốn tại Điều 10, trong đó, người đã có quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc nhưng chưa thi hành quyết định mà bỏ trốn thì Trưởng Công an cấp huyện nơi đã lập hồ sơ ra quyết định truy tìm.

 

Học sinh bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm; trại viên bỏ trốn thì Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định truy tìm. Thời gian trốn khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc không được tính vào thời gian chấp hành quyết định.

 

Cơ quan đã ra quyết định truy tìm có trách nhiệm tổ chức truy tìm; nếu người đó có hành vi chống đối thì được áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật để buộc người đó phải chấp hành…

 

Bên cạnh đó, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định tại Khoản 5 Điều 6 Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 có quy định người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách bày tỏ niềm tin, tín ngưỡng tôn giáo, do vậy, để phù hợp với thực tiễn và đảm bảo quyền của công dân, Điều 22, Điều 34 dự thảo Nghị định quy định về chế độ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí của học sinh và chế độ học tập, sinh hoạt của trại viên, như sau:

 

- Ngoài thời gian tham gia các hoạt động giáo dục, học tập, lao động, sinh hoạt chung, học sinh theo tôn giáo được sử dụng kinh sách in được xuất bản, phát hành hợp pháp mỗi tuần một lần. Học sinh theo tôn giáo đăng ký với cán bộ, giáo viên nhà trường việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cá nhân tại địa điểm, thời gian do Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quy định và không làm ảnh hưởng đến người khác. Trường giáo dưỡng có trách nhiệm quản lý, kiểm duyệt kinh sách trước khi cho học sinh sử dụng.

 

- Ngoài thời gian tham gia các hoạt động giáo dục, học tập, lao động, sinh hoạt chung, trại viên theo tôn giáo được sử dụng kinh sách in được xuất bản, phát hành hợp pháp mỗi tuần một lần. Trại viên theo tôn giáo đăng ký với cán bộ cơ sở giáo dục bắt buộc việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cá nhân tại địa điểm, thời gian do Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc quy định và không làm ảnh hưởng đến người khác. Cơ sở giáo dục bắt buộc có trách nhiệm quản lý, kiểm duyệt kinh sách trước khi cho trại viên sử dụng.

 

Toàn văn dự thảo Nghị định được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng.