Đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Bộ Công an dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

 

Theo đó, trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung công khai của Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gồm: Tên, địa chỉ, số điện thoại trực ban, hòm thư góp ý, thời gian làm việc, trang thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan Công an có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về giao thông; địa chỉ thư tín, số điện thoại, địa chỉ email, tài khoản mạng xã hội zalo, facebook... (nếu có) thực hiện việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về tình hình trật tự, an toàn giao thông.

Đồng thời, bổ sung Danh sách các phương tiện vi phạm hành chính về giao thông bị phát hiện thông qua hệ thống giám sát trên website csgt.vn để cá nhân, tổ chức tra cứu và thực hiện nghĩa vụ nộp phạt theo quy định.

Dự thảo này cũng đề xuất sửa đổi Thông tư số 67/2019 theo hướng lực lượng Cảnh sát giao thông chỉ công khai kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông. Các nội dung công khai gồm: Tên đơn vị; Tuyến đường; Các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; Thời gian thực hiện.

Ngoài ra, sửa đổi khoản 3 Điều 8 Thông tư số 67/2019 quy định về hình thức Nhân dân tham gia ý kiến như sau:

1) Thông qua đơn, thư gửi cơ quan Công an;

2) Thông qua điện thoại, hòm thư góp ý;

3) Thông qua Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử; thông qua tài khoản mạng xã hội; App VneTraffic của cơ quan Công an;

4) Thông qua các cuộc họp tại địa bàn cư trú (gồm: Tổ dân phố, bản, làng, thôn, xóm); nơi làm việc, học tập;

5) Thông qua các cuộc điều tra xã hội học;

6) Thông qua hoạt động tiếp công dân của cơ quan Công an.

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.

Minh Ngân