Dự thảo Thông tư quy định về quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, hoạt động thi hành án hình sự, hoạt động quản lý hành chính trong Công an nhân dân

Ngày 18/02/2020, dự thảo Thông tư quy định về quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, hoạt động thi hành án hình sự, hoạt động quản lý hành chính trong Công an nhân dân do Bộ Công an chủ trì xây dựng đã hoàn thành; Dự thảo gồm 08 chương 28 điều.

Thông tư này quy định về trình tự, thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, hoạt động thi hành án hình sự, hoạt động quản lý hành chính; cấp phát kinh phí bồi thường; chi trả tiền bồi thường; trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại và quản lý công tác bồi thường Nhà nước trong Công an nhân dân. Áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại (gọi là cơ quan giải quyết bồi thường) và tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác bồi thường.

 

Theo đó, từ Chương II đến Chương VII của dự thảo Thông tư đã quy định cụ thể các quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự, hoạt động thi hành án hình sự, hoạt động quản lý hành chính trong Công an nhân dân, gồm:

- Tiếp nhận, thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường; cử người giải quyết bồi thường và tạm ứng kinh phí bồi thường;

- Xác minh thiệt hại và thương lượng;

- Phục hồi danh dự;

- Lập dự toán, cấp phát kinh phí bồi thường và chi trả tiền bồi thường;

- Hoàn trả kinh phí bồi thường;

- Quản lý công tác bồi thường Nhà nước.

 

Đối với quy trình Cử người giải quyết bồi thường, tại Điều 5 của dự thảo nêu rõ: Cán bộ được cử giải quyết bồi thường phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực phát sinh yêu cầu bồi thường và không có quyền, lợi ích liên quan đến việc giải quyết bồi thường, không là người thân thích theo quy định của Bộ luật Dân sự của người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại…

 

Đặc biệt, các quy trình Phục hồi danh dự trong hoạt động tố tụng hình sự, hoạt động thi hành án hình sự, hoạt động quản lý hành chính, gồm có: Trách nhiệm phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại; Chủ động phục hồi danh dự; Phục hồi danh dự theo yêu cầu; Tổ chức thực hiện phục hồi danh dự bằng hình thức trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai. Trong đó, cơ quan được giao giải quyết bồi thường phải chủ động tổ chức thực hiện phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu không phục hồi danh dự. Đồng thời, việc phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại phải bảo đảm kịp thời, công khai, đúng pháp luật, tôn trọng nguyện vọng chính đáng của người bị thiệt hại.

 

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 2 tháng kể từ ngày đăng./.