Quy định về thực hiện dân chủ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội

Mới đây, Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội; Dự thảo gồm 03 chương 15 điều.

Theo đó, Thông tư này quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung thực hiện dân chủ trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội theo quy định của pháp luật, bao gồm: đăng ký, quản lý cư trú; cấp, quản lý chứng minh nhân dân, căn cước công dân và các giấy tờ đi lại khác; đăng ký, quản lý các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý con dấu; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo (trừ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do Bộ Quốc phòng quản lý); quản lý, sử dụng, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; công tác bảo đảm trật tự công cộng; công tác Cảnh sát phản ứng nhanh; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội. 

* Những nội dung công khai trong công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội được quy định tại Điều 5, gồm:

- Trình tự, thủ tục, hồ sơ, lệ phí, thời gian giải quyết, thẩm quyền, căn cứ pháp lý: đăng ký, quản lý cư trú; cấp chứng minh nhân dân, căn cước công dân; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cấp giấy phép trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu, giấy chứng nhận thu hồi con dấu; cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận, chứng chỉ khác trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội theo quy định.

- Quy định, hướng dẫn việc gọi điện đến số điện thoại khẩn cấp 113. 

- Tên, số điện thoại, thời gian làm việc, trang thông tin điện tử (nếu có) của cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan đến công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội, địa chỉ thư tín, số điện thoại chuyên dùng, địa chỉ email thực hiện việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

- Hình thức, thủ tục, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hành chính về trật tự xã hội.

- Khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của pháp luật.

- Nơi tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đề nghị hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

* Điều 7 quy định về những việc nhân dân bàn, góp ý để cơ quan có thẩm quyền quyết định như sau:

- Thành lập các tổ chức quần chúng thực hiện công tác bảo đảm an ninh trật tự: Ban bảo vệ dân phố, Đội dân phòng, Tổ tự quản đường phố, tự quản về trật tự công cộng, câu lạc bộ về an ninh, trật tự, liên gia tự quản về an ninh, trật tự và các tổ chức tự quản, câu lạc bộ khác bảo đảm an ninh, trật tự.

- Xây dựng điển hình tiên tiến về an ninh trật tự, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội.

- Lập các chốt, điểm bảo vệ an ninh, trật tự, duy trì các hoạt động tuần tra của nhân dân phòng ngừa tội phạm.

- Quy định chế độ, chính sách cụ thể để huy động nhân dân tham gia vào công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn.

* Những việc cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội không được làm được quy định tại Điều 13, gồm:

- Không gây phiền hà, sách nhiễu Nhân dân; không được yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp những giấy tờ, thủ tục ngoài quy định. 

- Không tiết lộ bí mật nghiệp vụ công tác, tin tức, tài liệu, vụ việc đang giải quyết khi chưa được phép công khai đối với những người không có trách nhiệm dưới bất kì hình thức nào.

- Không lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

- Không nhận đơn, thư và giải quyết công việc cho các cá nhân, tổ chức tại nhà riêng hoặc bất cứ nơi nào ngoài trụ sở làm việc tại cơ quan.

Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (đường link: http://bocongan.gov.vn/van-ban/van-ban-du-thao.html) để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng.