Thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân

Bộ Công an tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Thông tư quy định việc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng Công an nhân dân (CAND); Dự thảo gồm 03 chương 17 điều.

Theo đó, Điều 2 của dự thảo Thông tư nêu rõ mục đích thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra, như sau: Thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng CAND nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động Nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người tham gia tố tụng trong tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm và hoạt động điều tra, xử lý tội phạm theo quy định của pháp luật; góp phần xây dựng Cơ quan điều tra, các cơ quan của CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu quả; phòng, chống các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, tiêu cực, sách nhiễu, phiền hà, xâm phạm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 

Đồng thời, dự thảo Thông tư này quy định mục đích, nguyên tắc, nội dung và hình thức thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra các cấp trong CAND; các cơ quan của CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an.

 

Thông tư này được áp dụng đối với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên và Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra; cấp trưởng, cấp phó và cán bộ điều tra của các cơ quan của CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động điều tra.

 

Tại Chương II của dự thảo đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan điều tra; trách nhiệm của các cơ quan của CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an. Trong đó, việc tiếp nhận, phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm và đơn khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự phải đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời gian theo quy định của pháp luật. Tại trụ sở trực ban hình sự phải có hòm thư góp ý để tiếp nhận ý kiến góp ý của công dân. Hòm thư góp ý phải để nơi dễ quan sát, dễ nhìn thấy. Cán bộ trực ban hình sự phải thường xuyên kiểm tra hòm thư để kịp thời theo dõi, giải quyết các ý kiến góp ý của công dân…

 

Đối với quyền, nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân và giải quyết bồi thường oan, sai trong hoạt động điều tra được quy định tại Mục III của dự thảo Thông tư. Ngoài ra, nguyên tắc thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra được quy định rõ tại dự thảo, như sau:
1. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật trong hoạt động điều tra hình sự. Khi tiến hành tố tụng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Bảo đảm dân chủ đi đôi với trật tự, kỷ cương, điều lệnh CAND, không xâm phạm đến hoạt động của cơ quan tư pháp.
3. Nghiêm cấm lợi dụng dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; cản trở hoạt động tố tụng hình sự của Cơ quan điều tra, các cơ quan của CAND được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật.

 

Toàn văn dự thảo được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 2 tháng kể từ ngày đăng./.