Đại biểu Quốc hội tán thành nhiều nội dung của Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

28/10/2019
Chiều 28/10/2019, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Kỳ họp.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu trước Quốc hội.


Phát biểu tại hội trường, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng Dự thảo đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội. Về cơ bản các nội dung của Dự thảo Luật đã được rà soát bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Nhiều nội dung được chỉnh sửa thay đổi một cách toàn diện; quy định rõ thêm các vấn đề liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Luật. So với Dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 7 thì Dự thảo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam trình Quốc hội lần này tăng thêm 2 Chương và 12 Điều.

Thảo luận tại hội trường về Dự án Luật, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các quy định liên quan đến giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh; việc cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; sử dụng giấy thông hành; trách nhiệm quản lý giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh; việc cấp, hủy, thu hồi, khôi phục giấy tờ xuất nhập cảnh; về điều kiện xuất cảnh, nhập cảnh; các trường hợp tạm hoãn, thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh; việc cấp hộ chiếu gắn chip điện tử; tính khả thi trong việc kết nối thông tin; cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước; sự phối hợp giữa các cơ quan trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh...

Toàn cảnh phiên thảo luận.


Tiếp thu, giải trình các vấn đề đại biểu góp ý về Dự án Luật, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành sẽ cụ thể hoá Hiến pháp, khắc phục khó khăn bất cập trong việc quản lý nhằm đảm bảo quyền và trách nhiệm của công dân, trách nhiệm của các cơ quan tư pháp, trách nhiệm bảo hộ công dân và những hoạt động công vụ khác... 

Thay mặt Ban soạn thảo Dự án Luật, Bộ trưởng Tô Lâm trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận; đánh giá các ý kiến góp ý đều thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội. Đồng thời khẳng định, Ban soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cùng các cơ quan hữu quan tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh Dự thảo Luật để trình Quốc hội thông qua theo đúng chương trình kỳ họp. 

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ban soạn thảo Dự án Luật rà soát, chỉnh lý về kỹ thuật văn bản, sắp xếp lại các nội dung bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật và thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ yêu cầu, việc cấp hộ chiếu, quản lý việc xuất cảnh, nhập cảnh của công dân phải đảm bảo chặt chẽ, không để xảy ra thiếu sót, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong xuất cảnh, nhập cảnh nhưng cũng phải gắn với cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với thông lệ quốc tế, không gây phiên hà, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu đi lại của công dân.
 

 

Quang Minh
Tìm kiếm