Họp Tổ công tác triển khai Đề án 06 tháng 03/2024

27/03/2024
Ngày 27/3/2024, tại Hà Nội, Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) đã tổ chức cuộc họp tháng 03/2024. Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 chủ trì cuộc họp.
Bộ trưởng Tô Lâm chủ trì cuộc họp.


Tham dự cuộc họp có Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực và các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 là đại diện các bộ, ngành có liên quan cùng lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an... Cuộc họp được tổ chức trực tiếp tại Hội trường Bộ Công an, trực tuyến đến 7 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương.

Báo cáo tại cuộc họp nêu rõ, trong tháng 3/2024, việc triển khai Đề án 06 tiếp tục được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị về chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng vào ngày 14/3/2024. Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an sử dụng dữ liệu dân cư, ứng dụng Đề án 06 để tạo thuận lợi cho vay tiêu dùng, hạn chế tội phạm “tín dụng đen”. 

 
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trình bày Báo cáo tại cuộc họp.


Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị bộ, ngành để thúc đẩy triển khai Đề án 06/CP và tháo gỡ các điểm nghẽn đặc biệt là về kinh phí và cách làm sáng tạo trong việc triển khai để thúc đẩy Đề án 06 tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh làm mẫu cho các địa phương. 

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, việc triển khai Đề án 06 trong tháng tiếp tục đạt được những kết quả nổi bật tại các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, vừa qua, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện Sổ sức khỏe điện tử, theo đó, TP Hà Nội đã thiết lập được hơn 8,1 triệu hồ sơ sức khoẻ của người dân trên địa bàn Thành phố. Đã tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 47 bệnh viện, 32 phòng khám đa khoa và 286 trạm y tế để hiển thị hồ sơ sức khỏe điện tử của công dân trên ứng dụng VNeID (có 1.155.824 hồ sơ sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng VNeID). Triển khai thí điểm thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm trông giữ xe trên địa bàn quận Tây Hồ (03 bãi đỗ xe máy và 04 bãi đỗ ô tô). Tỷ lệ thu không dùng tiền mặt tại các bãi đỗ xe thí điểm đạt trên 50% đối với xe máy; gần 70% đối với ô tô. 

 
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc điều hành tham luận tại cuộc họp.

 
Ngoài ra, TP Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện số hoá dữ liệu hộ tịch, giúp người dân và cơ quan quản lý Nhà nước tái sử dụng thông tin hộ tịch trong việc cắt giảm thành phần hồ sơ của các thủ tục hành chính lĩnh vực hộ tịch và các thủ tục hành chính khác yêu cầu thông tin liên quan đến hộ tịch.
 
Về phát triển công dân số, đến nay, Bộ Công an đã thu nhận trên 86 triệu thẻ căn cước gắn chíp. Đã thu nhận trên 74,48 triệu hồ sơ định danh điện tử (tăng 600 nghìn tài khoản so với tháng 02/2024), kích hoạt trên 53,25 triệu tài khoản (tăng 500 nghìn tài khoản so với tháng 2/2024; tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 71,5%).
 

 
 
Các đại biểu tham luận tại cuộc họp.


Đối với 08 tiện ích trên VNeID đã công bố vào ngày 25/01/2024 và được người dân hưởng ứng sử dụng, trong tháng 3/2024 đã có 29,3 triệu lượt truy cập vào VneID (tăng 3,07 triệu lượt so với tháng 02/2024), trong đó, một số tiện ích có người dùng cao, như: Dịch vụ công thông báo lưu trú: 237.522 lượt (tăng 7.619 lượt so với tháng 02/2024); Thông báo, phổ biến chính sách pháp luật mới cho công dân: 9,2 triệu lượt (tăng 5,3 triệu lượt so với tháng 02/2024)... Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành (tăng 02 bộ so với tháng 2/2024), 01 doanh nghiệp nhà nước, 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương. Tiếp nhận 1.502.045.890 yêu cầu để tra cứu, xác thực thông tin (tăng 42,6 triệu yêu cầu so với tháng 02/2024).

Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, tham luận tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung đánh giá những kết quả thực hiện Đề án 06 đối với các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp nhằm phát huy những kết quả đạt được và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 như: Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành phục vụ đơn giản hóa thủ tục hành chính; lộ trình cụ thể và phương án khắc phục đối với vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện 02 dịch vụ công liên thông; hướng dẫn các bộ, ngành có liên quan chuẩn hóa dữ liệu khoản thu (phí, lệ phí, viện phí, học phí...); đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; tiến độ tích hợp nội dung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng vào Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao…

Phát biểu kết luận cuộc họp, nhấn mạnh về lĩnh vực pháp lý, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu với Tổ Công tác của Chính phủ về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương hoàn thành rà soát, đề xuất phương án giải quyết dứt điểm đối với 428 thủ tục hành chính còn chưa thực thi phương án đơn giản hóa, hoàn thành trước 31/3/2024. Đồng thời, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị 13 bộ, ngành có văn bản tham gia ý kiến đối với dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, điều chỉnh phương án đơn giản hóa, lộ trình xử lý văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thành trong tháng 3/2024 để Tổ Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
 
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu kết luận cuộc họp.

 
Về dịch vụ công, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành bám sát vào các danh mục 28 nhóm dịch vụ công trực tuyến ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2024 tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo thực hiện theo lộ trình quy định tại Quyết định này.
 
Đối với việc thúc đẩy, triển khai Đề án 06/CP trên địa bàn TP. Hà Nội, làm tiền đề thúc đẩy triển khai Đề án 06/CP trên toàn quốc, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, các bộ, ngành (Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp) khẩn trương phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tập trung thực hiện 09 nhiệm vụ phối hợp với Thành phố Hà Nội theo Thông báo số 06/TB-BCĐ ngày 17/3/2024 của Ban chỉ đạo chuyển đổi số Đề án 06 TP. Hà Nội.
 
Toàn cảnh cuộc họp.

Bên cạnh đó, UBND các địa phương (TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh, Kiên Giang) nghiên cứu các nhóm tiện ích thúc đẩy Đề án 06/CP của UBND TP. Hà Nội để tổ chức nghiên cứu, lựa chọn áp dụng triển khai phù hợp với tình hình địa bàn, thúc đẩy Đề án 06/CP gắn theo 05 nhóm (pháp lý – hạ tầng – an ninh an toàn – dữ liệu – nguồn lực); đặc biệt tham mưu đề xuất Hội đồng nhân dân ban hành mức phí, lệ phí “0 đồng” để thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến; khẩn trương rà soát, triển khai ngay dữ liệu đã được số hóa, làm sạch với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm thủ tục hành chính cho người dân đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí…
 
Cùng với đó, để phục vụ xây dựng Luật căn cước, là căn cứ pháp lý để triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thành việc thẩm định các văn bản liên quan đến Luật này đảm bảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2024. Đồng thời, các Bộ, ngành khẩn trương rà soát, triển khai các điều kiện đảm bảo kết nối chuẩn hóa, làm sạch theo quy định của Luật căn cước để kết nối, làm sạch và đồng bộ với dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Rà soát, triển khai các điều kiện về an ninh, an toàn thông tin để kết nối, khai khác và chia sẻ từ 01/7/2024 theo quy định của Luật căn cước...
Hồng Giang
Tìm kiếm