Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi)

11/06/2018
Sáng 11/6/2018, ngày làm việc thứ 17 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự thảo Luật; thời điểm đặc xá (Điều 5 dự thảo Luật); điều kiện được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại và nhân ngày lễ lớn của đất nước (Điều 10 dự thảo Luật); người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt (Điều 21 dự thảo Luật); thực hiện Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài (Điều 19 dự thảo Luật) và một số vấn đề khác. Theo đó, đa số ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật Đặc xá (sửa đổi).

Qua 10 năm, với 7 lần đặc xá có khoảng 87.000 người được đặc xá; trong đó có khoảng 50.000 người, bằng 57% có việc làm và thu nhập ổn định khi tái hoà nhập cộng đồng; tỷ lệ tái phạm vi phạm pháp luật trong số người được đặc xá là 1,16%. Đại biểu Trần Thị Hiền (tỉnh Hà Nam) bày tỏ đồng tình quan điểm sửa đổi Luật phải hướng tới nâng cao chất lượng công tác đặc xá, khắc phục tình trạng số lượng người được đặc xá quá lớn, bảo đảm ý nghĩa đặc biệt và giá trị khác biệt cơ bản của đặc xá so với chính sách khoan hồng khác dành cho những người thực sự xứng đáng.

Toàn cảnh phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Tạo (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, qua phản ánh của cử tri, có ý kiến còn băn khoăn về công tác đặc xá thời gian qua triển khai gấp gáp nên chưa bảo đảm đầy đủ sự tham gia, giám sát của nhân dân, từ đó có thể làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng công tác đặc xá. Vì vậy, Luật sửa đổi phải khắc phục hạn chế nêu trên, nâng cao chất lượng công tác đặc xá. Đồng thời tránh việc hiểu sai bản chất đặc xá, ngoài việc thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước thì còn có mục đích nhằm giảm tình trạng quá tải ở các cơ sở giam giữ. Đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cụ thể hóa thẩm quyền quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.

Trong quá trình thảo luận còn có một số ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này cho phép đặc xá đối với cả những người bị kết án nhưng được hưởng chính sách hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù, nhưng cũng có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu mở rộng phạm vi đối với cả đại xá.

Bày tỏ tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Luật về điều kiện được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, về điều kiện được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ về thời điểm đặc xá, hiểu thống nhất về sự kiện trọng đại của đất nước trong dự thảo Luật để bảo đảm việc áp dụng thực thi thống nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.

Về một số vấn đề cụ thể, về thời gian phải chấp hành hình phạt để được hưởng đặc xá, có ý kiến đề nghị quy định theo hướng tăng thời gian phải chấp hành hình phạt tù từ 1/2 thời gian thành 2/3 thời gian, đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn thì phải chấp hành được ít nhất là 16 năm. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị rút ngắn thời gian phải chấp hành hình phạt tù so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội.

Về trách nhiệm thi hành các khoản tiền, nghĩa vụ dân sự, có ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về trách nhiệm nộp án phí, các khoản tiền phạt, bồi thường thiệt hại, trách nhiệm dân sự. Người được đề nghị đặc xá phải thi hành xong các khoản tiền, nghĩa vụ dân sự, trừ trường hợp được Chủ tịch nước xem xét không áp dụng điều kiện này. Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị đối với các tội phạm về tham nhũng, tội phạm về kinh tế thì phải thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường mới được xét đặc xá. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc kỹ hơn để phạm nhân là người nghèo, chưa có điều kiện thi hành các khoản tiền này nhưng tích cực lao động, cải tạo, học tập tốt thì cũng được hưởng chế độ đặc xá. Các quy định về vấn đề này phải đảm bảo tính công bằng, bình đẳng đối với các phạm nhân, người có điều kiện kinh tế cũng như người chưa có điều kiện kinh tế.

Về điều kiện khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, có ý kiến tán thành với quy định trong dự thảo, có ý kiến đề nghị cần làm rõ chế tài nếu người được đặc xá không thực hiện quy định này, ý kiến khác đề nghị bỏ quy định này vì không có chế tài để bảo đảm tính khả thi. Về đặc xá đối với phạm nhân là người nước ngoài, có ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng Điều 19, nhất là điều kiện phải có cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự đến nhận người đặc xá là người nước ngoài bảo đảm phù hợp với Công ước Viên. 

Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Về người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt, một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng các điều kiện để bảo đảm Chủ tịch nước thực hiện đúng thẩm quyền đặc biệt của mình đề nghị quy định rõ hơn nguyên tắc xác định các trường hợp đặc biệt, quy định tiêu chí xác định thế nào là để áp dụng đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại. Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung để đáp ứng yêu cầu chính trị. Ngoài những vấn đề lớn nêu trên, các đại biểu Quốc hội đã tập trung phát biểu góp ý rất cụ thể về nhiều nội dung khác của dự thảo Luật như thời gian, trình tự, thủ tục thực hiện đặc xá, quy định tái hòa nhập cộng đồng về vị ví, vai trò, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác đặc xá, về khiếu nại, tố cáo trong đặc xá, về kỹ thuật lập pháp…

Phát biểu tiếp thu, giải trình một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, đại diện Cơ quan soạn thảo, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Đặc xá (sửa đổi) được ban hành sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện đặc xá trong những năm qua. Dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) được xây dựng theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở đã tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, các địa phương, cơ quan chuyên môn của Quốc hội, ý kiến của các đại biểu Quốc hội và của cử tri, nhân dân.

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện quy định trong dự thảo luật về một số các nội dung mà các đại biểu quan tâm như tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, thời điểm đặc xá, điều kiện được đặc xá, đối tượng được đặc xá, các trường hợp không đề nghị đặc xá, việc đặc xá đối với người nước ngoài, trình tự thực hiện việc đặc xá…, để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6 theo đúng chương trình của Quốc hội đã đặt ra.

 

Bảo Yến
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website