Bộ Công an chỉ đạo lực lượng ứng phó với cơn bão số 10 (cơn bão DOKSURI)

14/09/2017
Ngày 13/9/2017, Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN) Bộ Công an có Công điện số 11 gửi Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam và Hà Nội; Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN: Tổng cục VIII, K20; Cục C66, C67 yêu cầu chủ động ứng phó với cơn bão số 10.

Công điện nêu rõ:

Theo tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, Bão số 10 (tên quốc tế là DOKSURI) đang di chuyển nhanh về hướng vùng biển và đất liền nước ta. Theo dự báo bão còn tiếp tục mạnh lên, sức gió vùng gần tâm bão trên biển có thể đạt 12-13, giật cấp 15. Từ ngày 15 đến ngày 16/9, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta. Đây là cơn bão rất mạnh, diễn biến của bão còn phức tạp.

Để chủ động ứng phó với các tình huống của bão số 10 Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an yêu cầu Ban Chỉ huy ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện ngay một số nội dung sau:

1. Thực hiện nghiêm túc Công điện số 1369/CĐ-TTg ngày 13/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 10/CĐ-BCĐ ngày 13/9/2017 của Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT&TKCN Bộ Công an và chỉ đạo của chính quyền địa phương về công tác ứng phó với bão. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Thực hiện nghiêm túc lệnh cấm biển của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố vùng ven biển chịu ảnh hưởng của bão; đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và tài sản tại nơi tránh trú, neo đậu của tàu thuyền.

3. Huy động lực lượng, phương tiện phối hợp cùng cơ quan chức năng triển khai phương án sơ tán nhân dân tại các khu nuôi trồng hải sản, nơi nguy hiểm, khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, suối, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản đến nơi an toàn.

4. Bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc, nơi sạt lở nguy hiểm. Nghiêm cấm người và phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.

5. Đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, doanh trại, nơi giam giữ; các mục tiêu kinh tế, chính trị trọng điểm… do lực lượng Công an canh gác, bảo vệ. Triển khai phương án bảo vệ an toàn hồ sơ, tài liệu, phương tiện, trang thiết bị làm việc của Công an các đơn vị, địa phương để tránh thiệt hại do mưa, lũ gây ra.

6. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó với bão, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu.

7. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, thực hiện chế độ thông tin báo cáo hàng ngày về Ban Chỉ đạo ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN Bộ Công an (qua Văn phòng ƯPT: SĐT 069.23.201.60, 069.23.201.52, Fax 069.23.201.52, 069.23.201.60)./.

Ban Biên tập
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website