Hiệu quả từ mô hình ngọn đèn an ninh

29/11/2018
Với 27 xã, thị trấn, tổng số 222 khu dân cư, 15.686 hộ gia đình của huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đã tham gia lắp đặt 11.178 bóng đèn chiếu sáng trên các tuyến đường của huyện với tổng chiều dài là 313km. Điều đáng nói là toàn bộ kinh phí trên 3,3 tỷ đồng đều do nhân dân tự nguyện đóng góp để xây dựng.

Đây là là minh chứng cho kết quả sau một năm triển khai thực hiện mô hình "Ngọn đèn an ninh" của huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Mô hình này không chỉ có hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) tại khu dân cư mà còn thiết thực trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tích cực xây dựng "nông thôn mới".

Đoan Hùng là huyện miền núi nằm ở phía Bắc của tỉnh Phú Thọ giáp ranh với các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái; có 3 tuyến Quốc lộ gồm Quốc lộ 2, Quốc lộ 70, Quốc lộ 70B và hai tuyến sông (sông Lô, sông Chảy) chảy qua, có diện tích tự nhiên trên 300km2, dân số 30.792 hộ với 121.694 khẩu, gồm 14 dân tộc anh em sinh sống. Đây là điều kiện thuận lợi để giao lưu phát triển kinh tế, xã hội, song cũng là điều kiện thuận lợi để tội phạm, tệ nạn xã hội lợi dụng hoạt động gây mất ANTT ở địa phương; trong đó thị trấn Đoan Hùng và xã Bằng Luân là xã trọng điểm phức tạp về ANTT…

Trong những năm qua, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện luôn ổn định nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các vụ việc vi phạm pháp luật xảy ra nhiều vào ban đêm; hiện trường xảy ra các vụ án thường ở những nơi có địa hình hiểm trở, thiếu ánh sáng, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý; đối tượng vi phạm thường lợi dụng đêm tối để hoạt động, lẩn trốn…. Để góp phần đảm đảm bảo ANTT trên địa bàn, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện Đoan Hùng đã chỉ đạo tổ chức xây dựng, củng cố và nhân rộng mô hình “Ngọn đèn an ninh” trên địa bàn huyện, ban hành Kế hoạch số 239 và Hướng dẫn số 01 về việc xây dựng, củng cố và nhân rộng mô hình “Ngọn đèn an ninh” trên địa bàn huyện Đoan Hùng. 

Triển khai thực hiện kế hoạch của huyện, Ban Chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tăng cường tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa, tác dụng của mô hình “Ngọn đèn an ninh” trong công tác phòng ngừa tội phạm, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Thông qua công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể cũng như các tổ chức tự quản về ANTT về ý nghĩa, tác dụng của mô hình đối với công tác đảm bảo ANTT; từ đó, chỉ đạo, hướng dẫn, vận động các hộ gia đình ở khu dân cư tự nguyện tổ chức thực hiện mô hình và tham gia các hoạt động tự quản về ANTT.

Chí Đám là xã được Ban Chỉ đạo chọn làm điểm về xây dựng mô hình. Nhận thức đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, các hộ gia đình đã không ngại khó khăn, vất vả, đóng góp sức người, sức của để xây dựng hệ thống bóng đèn chiếu sáng trên các tuyến đường theo tổ liên gia tự quản. Xã Chí Đám đã có 17/17 khu dân cư với 1.154 hộ gia đình tham gia lắp đặt 1.562 bóng đèn với chiều dài 62km. Sau khi hoàn thành, các tổ liên gia tự quản đã cử một thành viên trong tổ có trách nhiệm đóng mở cầu giao theo quy định. Hằng tháng, các hộ gia đình tự nguyện đóng góp tiền điện để duy trì thắp sáng trên các con đường, ngõ xóm.

Buổi sinh hoạt của Tổ liên gia số 1, Xóm km20, thôn Phượng Hùng, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.                


Từ kết quả đạt được của xã Chí Đám, mô hình "Ngọn đèn an ninh" đã được nhân rộng ra toàn huyện. Một số xã của huyện Đoan Hùng thực hiện mô hình này đạt hiệu quả cao với 100% khu dân cư như: xã Chí Đám, Phương Trung, Quế Lâm, Yên Kiện, thị trấn Đoan Hùng.

Hệ thống bóng đèn chiếu sáng tại các khu dân cư, các tuyến đường liên thôn, liên xã đã góp phần bảo đảm ANTT ở địa phương. Từ khi thực hiện mô hình, tình hình tội phạm hoạt động vào ban đêm như: Cướp tài sản, trộm cắp tài sản… có xu hướng giảm; công tác điều tra, xử lý các vụ việc xảy ra vào ban đêm như: Cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông… gặp nhiều thuận lợi, tỷ lệ điều tra, khám phá đạt 100%; từ đó góp phần đấu tranh, đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo ANTT trên địa bàn huyện. 
         
 Việc xây dựng, củng cố, nhân rộng và duy trì hoạt động của mô hình "Ngọn đèn an ninh" luôn gắn liền với hoạt động của các tổ chức tự quản ở khu dân cư. Qua 1 năm triển khai, huyện Đoan Hùng đã kiện toàn tổ chức của các tổ chức tự quản và thành lập mới 38 Tổ liên gia tự quản về ANTT, 05 Dòng họ tự quản về ANTT. Trên địa bàn huyện Đoan Hùng hiện nay duy trì hoạt động 277 Ban ANTT, 1.250 Tổ liên gia tự quản về ANTT, 09 dòng họ tự quản về ANTT. 

Hoạt động của các tổ chức tự quản về ANTT tạo ra mối quan hệ gắn bó, mật thiết giữa người dân với nhau, tạo nên thế trận an ninh nhân dân liên hoàn trong việc giữ gìn ANTT tại cơ sở.

Mô hình "Ngọn đèn an ninh" không chỉ có hiệu quả trong phòng ngừa tội phạm mà còn tạo không gian sinh hoạt cộng đồng văn minh, tiến bộ, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn; góp phần tích cực xây dựng khu dân cư, xã, thị trấn “An toàn về ANTT”, gắn với thực hiện các phong trào, các cuộc vận động như “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. 

Đến nay, cơ bản tình hình ANTT trên địa bàn huyện ổn định và giữ vững, không xảy ra các vụ việc phức tạp về ANTT.  Mô hình "Ngọn đèn an ninh" của huyện Đoan Hùng đã thực sự phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống thiết thực của người dân, được nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia. Mô hình này cần được nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần xây dựng quê hương đất Tổ vua Hùng ngày càng giàu đẹp.                                              

 

PV
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website