Báo động xuất cảnh lao động trái phép

05/11/2019
Với suy nghĩ quanh năm bám lấy ruộng đồng cũng không bằng vài tháng lương lao động nơi xứ người, nên xuất cảnh lao động luôn là giấc mơ để “đổi đời” của không biết bao người dân ở các vùng quê. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, xuất cảnh lao động “chui” như canh bạc, có người may mắn dành dụm được ít vốn liếng để về quê, nhưng cũng có người bỏ mạng nơi đất khách.

Từ ngày nhận tin con trai mình là Chu Văn Thắng đột tử tại Trung Quốc, bà Ngô Thị An ở xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên sống như người vô hồn, chỉ biết ôm di ảnh con trai mà khóc, còn ông Chu Văn Chứ Thưa thì không đêm nào chợp mắt nổi, nỗi đau mất con khiến ông suy sụp. 

Đầu năm 2014, con trai ông cùng mấy người bạn rủ nhau sang tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc lái xe thuê cho thương lái người Trung Quốc. Bất ngờ, tháng 6/2018 một người bạn đi làm cùng Thắng gọi điện thông báo, Thắng bị cảm chết tại nhà trọ, gia đình nhanh chóng làm thủ tục sang Trung Quốc nhận xác nếu không sang nhanh thì chính quyền họ sẽ chôn xác vào hố chôn tập thể... Mặc dù nỗi đau mất con vượt quá sức chịu đựng của người cha già nhưng ông Chứ vẫn cố gượng dậy, đi vay tiền của họ hàng, rồi đích thân sang Trung Quốc làm thủ tục nhận tro cốt con về quê hương mai táng. 

Chị Triệu Thị Phương ở xóm Đồng Trãng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên may mắn được trở về quê hương với hình hài nguyên vẹn, nhưng thần kinh lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến chị Phương sống như một đứa trẻ, ngây ngô, khờ khạo... Vì đồng tiền mưu sinh, năm 1999, Phương nghe theo lời người lạ rủ đi làm giúp việc tại Trung Quốc, nhưng thực chất lại bị bán, làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc… Chị Phương đi, bỏ lại hai đứa con thơ cho họ hàng chăm sóc, gia đình cũng mất liên lạc kể từ ngày đó. Đến tháng 5/2018, gia đình biết tin chị Phương đi lạc về Bắc Ninh nên vội vàng thuê xe đi đón về.

Lực lượng Công an tuyên truyền cho người dân về hệ lụy khi xuất cảnh lao động trái phép tại huyện Võ Nhai. 


Trong căn nhà cấp bốn xây tạm bợ, chị Phương ngồi vô hồn, mất trí nhớ hoàn toàn với những chuyện đã xảy ra. Chị Triệu Thị Liên - chị gái Phương trầm ngâm kể, khi gia đình xuống đón người con, người em, lúc đầu nhìn thì thấy khổ lắm, như một đứa ăn mày ngoài đường. Về khoảng 4 tháng sau thì bắt đầu có biểu hiện trí tuệ không bình thường. Vào bệnh viện, bác sỹ chuẩn đoán khả năng chị Phương bị tâm thần và được chuyển thẳng vào khoa tâm thần chữa. Sau 8 ngày điều trị không có biến chuyển, bác sỹ sau đó chuẩn đoán bị mất trí nhớ biệt định.

Trên đây chỉ là hai trong hàng chục trường hợp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phải gánh chịu hậu quả của xuất cảnh lao động trái phép trong thời gian gần đây. Việc người dân chạy theo đồng tiền, biết nguy hiểm nhưng vẫn chọn xuất cảnh trái phép đi nước ngoài lao động đang là hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi các cấp, chính quyền địa phương cần vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này.

Đại diện chính quyền địa phương có công dân xuất cảnh trái phép, ông Chu Văn Thắng - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Lãng, huyện Đại Từ cho biết, hàng năm chính quyền tổ chức tuyên truyền trên loa truyền thanh, tại các cụm dân cư về việc nhân dân chấp hành pháp luật trong xuất khẩu lao động. Tuy nhiên thực tế hiện nay, một số nhân dân vùng sâu, vùng xa nhận thức pháp luật còn hạn chế nên người dân trong độ tuổi lao động vẫn xuất cảnh lao động bằng các đường tiểu ngạch.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2018 đến tháng 6 năm 2019, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có gần 3.000 lượt người xuất cảnh lao động trái phép. Trong đó có khoảng 200 trường hợp bị bắt và trao trả về Việt Nam. Quá trình xuất cảnh thường không có hộ chiếu, thị thực theo quy định của pháp luật. Nếu không may bị lực lượng chức năng nước sở tại phát hiện thì sẽ bị bắt giam ít nhất từ 1 đến 3 tháng.

Tháng 3 năm 2019, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Diệp Mạnh Linh (sinh năm 1993, trú tại xóm Na Ca, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) về tội “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Qua công tác đấu tranh, Linh khai nhận đã thu tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng của 7 bị hại để làm lộ phí sang Trung Quốc, mua vé tàu sang Đài Loan, Linh chưa trả được cho ai...

Với phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt; có sự tham gia, giúp sức của các đối tượng trong và ngoài nước khiến cho quá trình đấu tranh với loại tội phạm này gặp nhiều khó khăn. Thượng tá Trần Xuân Nghiệp, Phó Trưởng Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, phương thức, thủ đoạn của tội phạm này rất tinh vi, nhiều đối tượng tổ chức trong nước và câu kết với đối tượng ở nước ngoài, sử dụng công nghệ cao, móc nối, liên hệ với nhau để tổ chức cho người khác đi lao động trái phép. Mặt khác, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, chưa thấy được các hậu quả của nó nên vẫn bất chấp sự nguy hiểm để đi xuất khẩu lao động.

Bài học xương máu của các trường hợp xuất cảnh trái phép và tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài nói trên là lời cảnh tỉnh đối với tất cả người lao động cần có cái nhìn thật tỉnh táo để lựa chọn địa chỉ đáng tin cậy, được tư vấn về pháp luật, quyền lợi và có công việc phù hợp với nhu cầu lao động.

 

Thúy Liễu
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website