Công an tỉnh Quảng Ninh nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử của lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông

24/10/2019
Lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông là những cán bộ trực tiếp tiếp xúc với nhân dân, thông qua giao tiếp, ứng xử, người Cảnh sát giao thông giúp người tham gia giao thông hiểu rõ hơn các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông; tuyên truyền các nội dung về an toàn giao thông; trực tiếp, kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn lỗi vi phạm; giải thích cho người vi phạm nhận thấy rõ lỗi của hành vi vi phạm, hậu quả của hành vi vi phạm để tránh tái phạm… qua đó nâng cao nhận thức của người dân về trật tự, an toàn giao thông, đảm bảo cho người tham gia giao thông thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ, mang lại an toàn cho bản thân, cho xã hội.

Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Quảng Ninh không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử đối với người dân trong khi thực hiện nhiệm vụ. Coi đây là một trong những yếu tố nguồn gốc, tạo ra hiệu quả công tác; sự tín nhiệm, yêu mến và sự giúp đỡ của nhân dân với Cảnh sát giao thông.

Tuy nhiên, thực tế công tác tuần tra, kiểm soát cho thấy vẫn còn có hiện tượng cán bộ Cảnh sát giao thông khi tiếp xúc, ứng xử với người tham gia giao thông, người vi phạm còn có biểu hiện chưa đúng mực ở tác phong, thái độ, cử chỉ, hành động, lời nói hoặc khi trình bày, giải thích lỗi cho người vi phạm còn chưa thấu tình, đạt lý gây hiểu lầm, bức xúc cho người dân. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi người dân thực hiện quyền giám sát rất cao đối với các lực lượng chức năng, sẵn sàng quay video, clip... tung lên mạng xã hội thì mỗi lời nói, hành vi, cử chỉ thiếu chuẩn mực của người Cảnh sát giao thông đều tạo những hiệu ứng trái chiều, bất lợi đối với lực lượng Công an trong công tác, chiến đấu và trong quan hệ với nhân dân.

Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Ninh không ngừng rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử khi làm nhiệm vụ.

 

Lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông Công an Quảng Ninh, mỗi năm phát hiện, kiểm tra, lập biên bản gần 250.000 trường hợp vi phạm, bình quân mỗi ngày xử lý gần 700 trường hợp vi phạm. Điều đó dẫn đến mối quan hệ giữa một bên là lực lượng chức năng được Nhà nước trao quyền thực thi nhiệm vụ tuần tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm và một bên là người vi phạm khi bị phát hiện sẽ phải chịu những chế tài do Nhà nước quy định (phạt tiền, tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện…) luôn tiềm ẩn rào cản, sự đối lập.

Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, có nhiều trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông khi bị Cảnh sát giao thông phát hiện, xử lý không tự giác chấp hành, thường tìm mọi cách trốn tránh, từ trình bày, nhờ cậy mối quan hệ để can thiệp, gây áp lực đối với lực lượng chức năng. Mặc dù đã được tuyên truyền giải thích song trong nhận thức của nhiều người cho rằng việc phạt tiền, hay tạm giữ giấy tờ, phương tiện vi phạm, hay tước giấy phép lái xe… của Cảnh sát giao thông là phiền hà, sách nhiễu, gây khó khăn, động chạm tới quyền lợi kinh tế của người dân, gây thiệt hại đến thu nhập mà không nhận thức đây là các biện pháp để đảm bảo an toàn cho bản thân người vi phạm, những người tham gia giao thông khác và giữ tính nghiêm minh của pháp luật.

Cảnh sát giao thông xử lý nghiêm, giải thích cụ thể đối với các lái xe vi phạm quy định Luật Giao thông đường bộ.


Để rèn luyện và trang bị những kỹ năng giao tiếp ứng xử cần thiết đối với lực lượng Cảnh sát giao thông nói chung, lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông nói riêng, bên cạnh việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức xã hội… thì việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức văn hóa trong giao tiếp đối với Cảnh sát giao thông là yếu tố cực kỳ quan trọng, cần thiết không thể thiếu, đòi hỏi phải được đào tạo rèn luyện thường xuyên, liên tục trong cả quá trình công tác.

Trước hết mỗi cán bộ Cảnh sát giao thông cần nhận thức đúng và đầy đủ về kỹ năng giao tiếp ứng xử của Cảnh sát giao thông, đây chính là phương tiện quan trọng để thực hiện giao tiếp có hiệu quả. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị, Thông tư quy định về Quy tắc ứng xử của Công an nhân dân của Bộ Công an và Quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ Công an Quảng Ninh, đặc biệt là quy định về văn hóa giao tiếp, ứng xử của lực lượng Cảnh sát giao thông. Chủ động xây dựng phương pháp để rèn luyện hoàn thiện kỹ năng của Cảnh sát giao thông trong hoạt động giao tiếp.

Trên cơ sở đặc điểm, tâm lý đối tượng quan hệ tiếp xúc, tính chất, nghề nghiệp, yêu cầu nhiệm vụ được giao, mỗi cán bộ Cảnh sát giao thông cần ý thức thường xuyên, liên tục, phấn đấu, rèn luyện nâng cao hiểu biết về mọi mặt, đủ điều kiện để quan hệ, tiếp kiến giải quyết tốt những tình huống phát sinh trong thực thi nhiệm vụ. Luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý thông tin khi tiếp xúc quan hệ, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao, tôn trọng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, tạo và giữ vững lòng tin và sự tín nhiệm của nhân dân đối với Cảnh sát giao thông.

 

Trần Hằng
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website