Điện Biên: Đấu tranh có hiệu quả với các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại

14/12/2018
Thời điểm cuối năm là dịp mà tội phạm buôn lậu lợi dụng để mua bán hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại. Để kiểm soát tình hình, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Điện Biên đã xây dựng kế hoạch, tăng cường lực lượng, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ để kịp thời đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Để chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Điện Biên đã tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện Điện chỉ đạo của Ban Giám đốc về đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, địa bàn cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, từ đó kịp thời phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế theo từng lĩnh vực góp phần bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) trên địa bàn.

Để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như bảo đảm ANTT trên địa bàn, thời gian qua lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Điện Biên đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kiểm soát việc bán hàng theo quy định về niêm yết giá, giám sát chặt chẽ và đề xuất biện pháp can thiệp kịp thời khi phát hiện thấy các đối tượng sản xuất, kinh doanh có biểu hiện vi phạm pháp luật. Năm 2018, lực lượng liên ngành đã tiến hành kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm với số tiền phạt và tịch thu hàng hóa lên đến hàng trăm triệu đồng.

Lực lượng Cảnh sát kinh tế và Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn.

 

Những tháng cuối năm, các loại tội phạm về kinh tế như mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng lậu, trốn thuế… lợi dụng hoạt động mạnh, nhất là nhóm mặt hàng tiêu dùng, hàng thực phẩm với đủ chủng loại, nhãn mác... Lực lượng chức năng đã tiến hành tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho các cơ sở kinh doanh, các chuỗi siêu thị, cửa hàng; tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tham gia đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và các hành vi gian lận thương mại; tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở ký cam kết không kinh doanh hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng thì cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, đoàn thể, người dân tham gia đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; khuyến cáo người tiêu dùng “tẩy chay” hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, nói không với các loại thực phẩm nghi không bảo đảm an toàn vệ sinh; kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng nếu phát hiện có dấu hiệu gian lận, vi phạm…

Lực lượng liên ngành làm tốt công tác phối hợp trong việc kiểm tra hoạt động buôn bán của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

 

Trong năm 2018, qua công tác phòng ngừa, kết hợp sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát kinh tế đã kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ vi phạm, nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Điển hình vào ngày 03/5/2018, tại khu vực phường Thanh Bình, thành phố Điện Biên Phủ, lực lượng liên ngành gồm Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh và Đội Quản lý thị trường số 1 đã phát hiện, thu giữ một số lượng lớn chai siro ăn ngon không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng này là Vi Thị Hà (sinh năm 1986, ở huyện Điện Biên) không xuất trình được bất kỳ giấy tờ, hóa đơn chứng minh  nguồn gốc xuất xứ của 1.800 chai siro ăn ngon. Tổ công tác đã lập biên bản vụ việc, ra quyết định xử phạt 20 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và buộc tiêu hủy hoàn toàn lô hàng này.

Tăng cường công tác kiểm tra tại các siêu thị.

 

Buôn bán, kinh doanh, sản xuất hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại là một trong những vấn nạn đối với toàn xã hội, gây ra những hệ lụy tiêu cực đối với sức khỏe, kinh tế của người tiêu dùng và giảm uy tín của nhà sản xuất. Thực tế, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa - nơi mà thị trường tiêu thụ còn thiếu thông tin là những nơi có tỉ lệ hàng giả và hàng kém chất lượng xuất hiện tương đối nhiều. Chính vì vậy, công tác đấu tranh đối với loại tội phạm này còn gặp không ít khó khăn, đòi hỏi lực lượng chức năng phải tăng cường tối đa về cả lực lượng thi hành công vụ và các biện pháp để ngăn chặn, triệt phá các hành vi phạm tội, góp phần bảo đảm ANTT.

Việc đấu tranh phòng, chống buôn bán hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại luôn được xác định là nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Thời gian tới, Phòng Cảnh sát kinh tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm kinh tế trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các đường dây buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Kỳ Hợi 2019 đang tới gần, góp phần cùng với các ngành, các lực lượng chức năng thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm kinh tế nói riêng, bảo đảm ANTT, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

 

PV
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website