Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018

03/12/2018
Chiều 03/12/2018, tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018 với sự tham gia của đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành và đông đảo các nhà báo ở Trung ương và Hà Nội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 3/12/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018, bàn về 16 nội dung lớn. Trọng tâm nhất, Chính phủ đã thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11, 11 tháng năm 2018 và dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Tại buổi họp báo, nhiều phóng viên báo chí đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề nóng, gây quan tâm dư luận thời gian gần đây, trong đó có những vấn đề liên quan đến nhiều bộ, ngành...

Đối với câu hỏi liên quan đến vụ bắt giữ cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà, ông Hà bị bắt liên quan tới vụ án cụ thể nào? 

Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, thông tin này đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an khá đầy đủ và chi tiết. Theo đó, căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ đã thu thập được, ngày 29/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Bắc Hà và một số bị can khác về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015. Vụ án xảy ra tại BIDV, và cụ thể là BIDV chi nhánh Hà Tĩnh. “Hiện nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang điều tra, thu thập, củng cố chứng cứ và thu hồi tài sản theo quy định. Khi có kết luận điều tra chúng tôi sẽ thông tin công khai cho các phương tiện thông tin đại chúng”, Thiếu tướng Lương Tam Quang nói.

Về ý kiến cho rằng 2 - 3 ngày trước khi Bộ Công an ra Quyết định bắt ông Trần Bắc Hà thì trên mạng xã hội đã lan truyền thông tin này, có hay không việc lộ, lọt thông tin, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho rằng, Bộ Công an là cơ quan thực thi pháp luật nên làm theo pháp luật. Còn tất cả những thông tin bên ngoài, trên mạng xã hội là thông tin không chính thức và nhiều thông tin không chính xác. “Như các bạn đã biết, ví dụ như liên quan đến Trần Bắc Hà trước đó có những thông tin không chính xác gây ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán và hoạt động của ngân hàng... Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an cung cấp thông tin chính thức khi thực hiện xong tất cả những biện pháp tố tụng theo đúng quy định. ” - Thiếu tướng Lương Tam Quang khẳng định. 

Toàn cảnh phiên họp báo Chính phủ tháng 11/2018.

 

Với thông tin hai nữ phóng viên thực hiện điều tra tình trạng bảo kê ở chợ Long Biên bị nhắn tin dọa giết, Bộ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội điều tra, làm rõ thông tin. Bộ Công an đã nhận được công văn của cơ quan các phóng viên gửi đến và đang giao cho các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TP Hà Nội tiến hành điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định. Thiếu tướng Lương Tam Quang khẳng định, cơ quan Công an đang điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Vụ việc này được Bộ trưởng chỉ đạo rất quyết liệt và đang trong quá trình điều tra làm rõ.
Cũng tại cuộc họp báo, Thiếu tướng Lương Tam Quang đề cập việc kết nối hệ thống camera kiểm soát giao thông đã được Bộ Công an kiến nghị khi nhiều đơn vị, doanh nghiệp tự trang bị các camera vừa giám sát giao thông, vừa kiểm soát an ninh ở các khu vực.
Hiện ở Hà Nội, Bộ Công an đã cho thí điểm kết nối hệ thống camera giao thông với Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội rất có hiệu quả, phát huy tốt. Do vậy, các bộ, ban, ngành cần chỉ đạo các đơn vị, nhất là Bộ Giao thông vận tải cần trao đổi với Bộ Công an để thống nhất về công nghệ, bảo đảm kết nối hiệu quả, tránh lãng phí...

Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an phát biểu tại họp báo.

 

Về hoạt động “tín dụng đen” mà báo chí quan tâm và đồng chí Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã nêu, Thiếu tướng Lương Tam Quang đánh giá đây là hoạt động rất phức tạp, chủ yếu là việc lợi dụng núp bóng doanh nghiệp, như các công ty cầm đồ, cho thuê tài chính, dịch vụ đáo nợ ngân hàng, công chứng… Theo Thiếu tướng Lương Tam Quang, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo đấu tranh với loại tội phạm này, đề nghị các cơ quan truyền thông phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức liên quan đến thủ đoạn phạm tội, phương thức hoạt động “tín dụng đen” để người dân cảnh giác. Đồng thời tuyên truyền về công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và những biện pháp quản lý đối với cơ sở kinh doanh tài chính, tiệm cầm đồ. Xử lý nghiêm các doanh nghiệp, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, liên quan đến hoạt động vay nợ, cầm cố, siết nợ, đòi nợ thuê trên địa bàn. 

“Vừa qua Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh triệt phá một số loại tội phạm này, liên quan đến nhiều tỉnh thành trong cả nước. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức nâng cao công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác, lập các đường dây nóng, hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận, xử lý kịp thời những thông tin liên quan đến “tín dụng đen” - Thiếu tướng Lương Tam Quang thông tin thêm. Bộ trưởng Bộ Công an đã quyết định mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự những tháng cuối năm, bảo vệ Tết Nguyên đán 2019, bắt đầu từ ngày 16/12/2018. Và “tín dụng đen” cũng là trọng điểm của Bộ Công an trong đợt cao điểm này. “Tới đây chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết thêm.

 

 

PV
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website