“Kể chuyện theo án” góp phần giáo dục kiến thức pháp luật cho thế hệ trẻ

10/04/2019
Mô hình “Kể chuyện theo án” được thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2010, với mục đích tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên trên địa bàn. Sau thời gian thực hiện, mô hình trên đã thể hiện được tác dụng rõ nét, có tác động mạnh mẽ, từng bước làm chuẩn hóa hành vi của mọi tầng lớp nhân dân thành phố, nhất là giới trẻ.

Uông Bí là một thành phố trẻ có tốc độ phát triển khá nhanh. Đây là địa phương tập trung hầu hết các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong tỉnh với trên 30.000 thanh niên trong độ tuổi. Đó là điều kiện thuận lợi để Uông Bí phát triển về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố liên quan đến an ninh, trật tự, nhất là khi tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trong thanh, thiếu niên đang diễn biến phức tạp. Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức đoàn - hội trong công tác giáo dục đạo đức, pháp luật cho thanh, thiếu niên, năm 2010, thành phố Uông Bí đã triển khai mô hình “Kể chuyện theo án”. Đến nay có 21 Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật” trong các cơ sở đoàn, giúp hàng vạn lượt thanh niên trong toàn thành phố có thêm nhiều kiến thức pháp luật.

Trên cơ sở những vụ án có thật xảy ra trên địa bàn thành phố đã được xét xử mà đối tượng vi phạm đều là thanh niên, thiếu niên, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật” lựa chọn, biên tập thành những câu chuyện sinh động, cụ thể, hấp dẫn để tuyên truyền kiến thức pháp luật cho thanh, thiếu niên. Trong đó, thành viên của Câu lạc bộ chủ yếu là cán bộ đoàn của các ngành như: Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Phòng Tư pháp, Ban Chỉ huy quân sự trực tiếp tham gia kể chuyện tại các trường học, các xã, phường. Ngoài ra, tại các buổi tuyên truyền này có chương trình giao lưu, hỏi đáp về kiến thức pháp luật giữa các đoàn viên và nhân dân với tổ tư vấn pháp luật của Câu lạc bộ. Đặc biệt là các vấn đề đang được giới trẻ quan tâm, vấn đề pháp lý cho trẻ em, người chưa thành niên, từ đó giúp các em học sinh bổ sung kiến thức pháp luật, cập nhật thông tin pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và rút ra cho mình bài học kinh nghiệm trong cuộc sống.

Câu lạc bộ "Tuổi trẻ và pháp luật" thành phố Uông Bí trực tiếp giải đáp những thắc mắc của các em học sinh.


Từ năm 2014 đến nay, thay vì kể chuyện vụ án bằng phương thức truyền khẩu, mô hình đã được sân khấu hóa. Từ những vụ án có thật để lại nhiều ấn tượng trong quần chúng nhân dân, được biên soạn thành những tiểu phẩm tái hiện lại bối cảnh, sau đó các thành viên đưa ra nhận xét những tình huống vi phạm pháp luật trong tiểu phẩm nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Tại mỗi buổi kể chuyện, hình thức xử phạt từng hành vi vi phạm sẽ được nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến pháp luật mà giới trẻ quan tâm như Luật Hôn nhân gia đình, Luật Giao thông… cũng được thảo luận và giải đáp, khiến mô hình “Kể chuyện theo án” càng thêm sinh động, hấp dẫn và sâu sắc, truyền tải thông tin đến người nghe, người xem một cách dễ hiểu, dễ nhớ và nhớ lâu hơn. Trung bình mỗi năm, các cơ sở đã tổ chức được trên 90 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới đoàn viên thanh thiếu niên, trong đó tập trung vào tuyên truyền công tác đảm bảo an toàn giao thông, phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội.

Ngoài việc tuyên truyền trực quan, xem tiểu phẩm và thảo luận, tại các buổi kể chuyện đã tổ chức thêm “phiên tòa giả định” để tái hiện lại phiên tòa xét xử vụ án trong tiểu phẩm. Từ đó, giúp cho mọi người hiểu được tình tiết vụ án cho đến các hình thức răn đe, xử phạt, cũng như những yếu tố khoan hồng, nhân văn của pháp luật.

Sau 9 năm triển khai, mô hình “Kể chuyện theo án” đã và đang ngày càng thể hiện tác dụng rõ nét, có tác động mạnh mẽ, từng bước làm chuẩn hóa hành vi của mọi tầng lớp nhân dân thành phố Uông Bí, nhất là giới trẻ. Theo số liệu của Công an thành phố Uông Bí, từ năm 2013 đến năm 2018, tổng số vụ việc do đối tượng trong độ tuổi thành niên vi phạm pháp luật, phạm tội (từ 16 đến 18 tuổi) giảm từ 12 vụ xuống còn 02 vụ. 

Qua đó có thể thấy, việc triển khai mô hình "Kể chuyện theo án" đã góp phần mang lại hiệu quả rất thiết thực, có sức lan toả và giáo dục lớn. Rất nhiều đoàn viên, học sinh, sinh viên đã nắm vững kiến thức về pháp luật, tạo sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức tới hành vi, kỹ năng ứng xử, hạn chế tỷ lệ vi phạm pháp luật, góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, từng bước đáp ứng được yêu cầu của công tác thanh niên trong giai đoạn mới. Mô hình “Kể chuyện theo án” cũng đã được nhân rộng và triển khai trong toàn tỉnh Quảng Ninh.

PV
Tìm kiếm
Tin tức - Sự kiện
Liên kết website